Tánh Linh: Hiệu quả mô hình 'bẫy cây trồng' trên lúa hè thu
Theo đánh giá của Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Tánh Linh, trong vụ sản xuất hè thu 2023, các hộ nông dân có ruộng xung quanh gần khu vực mô hình 'bẫy cây trồng', lúa ít bị chuột cắn phá như các vụ trước. Nhờ đó, giảm một phần chi phí thuốc bảo vệ thực vật để trừ chuột, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe và bảo vệ môi trường…
Những năm qua, thực tế sản xuất tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, các đối tượng sinh vật hại trên cây trồng đang có xu hướng phát triển. Trong đó có tình trạng chuột gây hại trên các cánh đồng ngày càng nhiều, khiến sản xuất của nông dân gặp khó khăn. Trước tình hình đó, từ năm 2021 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai một số mô hình dẫn dụ và bắt chuột bằng phương pháp “bẫy cây trồng” tại 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh. Đặc biệt, trong vụ hè thu năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (TT & BVTV) tiếp tục phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Tánh Linh và UBND xã Đồng Kho thực hiện mô hình “bẫy cây trồng” quản lý chuột gây hại trên cây lúa.
Theo đó, trong thời gian từ tháng 3 - 7/2023, bẫy được bố trí tại ruộng sản xuất lúa của hộ nông dân Trương Thị Hoàng, nằm trên cánh đồng lớn của xã Đồng Kho. Mô hình được triển khai thực hiện bằng giống lúa thơm ST25 với số lượng giống gieo 20 kg/1.500m2, xuống giống sớm hơn 20 ngày so với ruộng lúa khác trong cùng xứ đồng. Xung quanh ruộng bẫy được rào kín bằng hàng rào nilon, cao 50 cm nhằm hạn chế chuột leo, cắn phá hàng rào vào bên trong, ở phía ngoài một rãnh nhỏ có chứa nước kích thước rộng 30 cm x sâu 25 cm. Số lượng bẫy được sử dụng trong mô hình là 12 bẫy, mỗi bờ đặt 2 - 4 bẫy hom để thu gom chuột. Bẫy hom được làm từ khung bằng sắt, hình hộp chữ nhật 60 cm x 30 cm, xung quanh được bao bằng lưới sắt mắt cáo.
Hộ dân tham gia mô hình được sự hỗ trợ 100% chi phí sản xuất và trang thiết bị theo quy trình đề ra như giống lúa ST25, phân bón, dụng cụ bắt chuột… và kinh phí hỗ trợ nông dân có đất cùng thực hiện mô hình 10 triệu đồng/vụ (nguồn kinh phí từ Chi cục TT & BVTV tỉnh). Mặt khác thông qua tập huấn, nông dân nắm kỹ thuật cơ bản về phương pháp thực hiện bẫy và dẫn dụ, bắt chuột bằng “bẫy cây trồng” như cách chuẩn bị lồng bẫy, lên luống gieo sạ, tạo rãnh nước... Qua thời gian thực hiện mô hình đã thu nhận gần 100 con chuột trưởng thành.
Theo ông Nguyễn Kim Thành – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Tánh Linh, quá trình theo dõi mô hình, chuột vào bẫy trong mùa vụ này đã giảm hơn so với các mô hình đã làm trước đây trong cùng vụ hè thu. Tuy nhiên, năm nay số lượng lớn chuột “cống nhum” có kích thước to hơn các loại chuột thông thường với trọng lượng từ 0,5 - 1kg. Đây là loài gây hại cắn phá lúa trên diện rộng, chúng đào hang rất to và gây hư hại nhiều đến hệ thống bờ bao và kênh dẫn nước thủy lợi của địa phương.
Cũng theo ông Thành, để mô hình “bẫy cây trồng” đạt hiệu quả cao, cần sự chung tay của chính quyền địa phương và các chủ ruộng trong cùng khu đồng. Trong canh tác, việc áp dụng đa dạng các biện pháp để phòng trừ các đối tượng gây hại, đặc biệt là chuột mới có thể thu được kết quả cao nhất. Đồng thời phải làm thường xuyên, liên tục và triển khai nhiều điểm để góp phần giảm dịch hại trên cây trồng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho hộ dân trên cùng một diện tích canh tác. Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục chuyển giao đến nông dân địa phương để nhân rộng mô hình “bẫy cây trồng” trên các cánh đồng. Qua đó, giúp nâng cao tính cộng đồng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, phát huy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Theo Chi cục TT & BVTV tỉnh, vụ hè thu năm nay toàn tỉnh gieo trồng trên 39.300 ha lúa, chủ yếu đang ở giai đoạn trổ chín và thu hoạch. Từ đầu năm đến nay, các trà lúa trên địa bàn tỉnh có hơn 310 ha bị chuột phá hoại. Các mô hình dẫn dụ và bắt chuột bằng “bẫy cây trồng” thời gian qua đã thu được hàng trăm con chuột trưởng thành. Nếu tính theo tập tính sinh sản theo lũy kế của 1 cặp chuột bố mẹ, mô hình đã góp phần giảm trừ từ 1.500 - 3.000 con chuột con, cháu, chắt...