Tánh Linh một thời để nhớ

Ở La Gi và Tánh Linh (Bình Thuận) trẻ em thời thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước thường chơi trò rồng rắn và hát đồng dao bài vè 'Thuyền cửa Cạn/ bạn La Gi/ mì suối Đó/ gió Tân Long/ công Hiệp Nghĩa/ đĩa Láng Ma/ cá suối Dứa/ bứa bưng sình/ tình Tân Lý/ bí Tánh Linh. Tánh Linh huyện lỵ núi rừng một thời gian khó nhưng nay đã thoát nghèo góp phần làm nên huyền thoại...

Lạc Tánh ký ức thời xa vắng

Giữa năm 1975, một số anh em chúng tôi thuộc C25 cũ được điều động về làm công tác quản lý tù hàng binh ở chân núi Cà Tòn thuộc địa bàn Lạc Tánh. Những năm ấy không biết lý do gì mà bà con ven đường rất nhiều nhà trồng bưởi. Đến mùa, hoa bưởi nở trắng tỏa hương thơm ngào ngạt. Mãi cho đến năm 1980, Lạc Tánh vẫn còn xơ xác theo cuộc chiến, con đường hoa bưởi của xã thưa vắng bóng người, thỉnh thoảng vài chuyến xe than chạy vù qua để lại khói bụi mịt mù. Anh Dụng là thủ trưởng trực tiếp của chúng tôi, anh nguyên là Đại đội phó kiêm Chính trị viên Đại đội 25 an ninh vũ trang khu 6 cũ được chúng tôi kính trọng xem như người anh cả. Nhớ năm 1979, cả nước thiếu ăn vì chiến tranh biên giới và lũ lụt, bà con ở xã Đồng Kho ban đêm thường lén lút đến đám mì của đơn vị nhổ trộm. Trước diễn biến xấu ấy, anh Dụng giao cho tiểu đội tôi ra phục kích, phải mất 3 đêm thức trắng ngủ rừng mới phát hiện đoàn người từ Đồng Kho quang gánh vào đám mì lúc 0 giờ. Theo phương án tác chiến, chúng tôi nổ súng bắn chỉ thiên cấp tập bốn phía rồi lao vào khống chế. Bị tấn công bất ngờ bà con nằm rạp xuống đất, qua ánh đèn pin, tôi nhận ra những gương mặt trắng bệch đầy sợ hãi, van xin cầu cứu. Đôi mắt thất thần của người dân đói khát năm ấy còn vương vấn trong tâm thức tôi đến tận bây giờ. Sáng hôm sau, chúng tôi mời chủ tịch xã Đồng Kho lên xin lỗi rồi nhận dân trộm về, anh Dụng là người chỉ huy đã mang hết số mỳ nhổ đêm qua cho phép họ mang theo. Lúc ấy, chẳng ai bảo ai, cả đoàn dân trộm đứng dậy chấp tay xá anh như một vị cứu tinh trong lúc đói khát và tuyệt vọng.

Vợ chồng tác giả (bên phải) anh, chị Bảy Hiền và vợ chồng Trung tá Đinh Hùng Dũng đứng sau.

Năm 1980, anh Dụng mất vì sốt rét, lúc nghe tin anh về với đất, tôi bàng hoàng không tin. Anh ra đi với tuổi đời 33, vừa được đoàn tụ với vợ con từ Bắc vào sau cuộc chiến. Sau biến cố đau thương ấy, chị Linh Thị Nhâm (vợ anh) gầy xộp đi, cứ chiều chiều bồng con đứng nhìn ra Bắc trong tuyệt vọng rồi ôm mặt khóc. Và những năm ấy thỉnh thoảng ghé thăm anh Bảy Hiền người bạn thân của tôi ở Lạc Tánh. Tuy nhiên gặp nhau không phải dễ dàng, vì anh gần như vắng nhà suốt ngày. Nhà có 6 đứa con nhỏ được sinh ra gần như nối đuôi nhau, hàng ngày đi vào rừng rọc lá chuối về bán, đào giếng thuê, lúc rảnh đạp xe đi hớt tóc dạo với tiếng rao khàn khàn buồn thảm trong nước mắt.

Ngày thay màu áo lính để mặc áo sinh viên, anh mời tôi đến nhà dùng bữa từ biệt với cơm trắng cá khô và rau tàu bay rừng chấm muối ớt nhưng tôi ôm mặt khóc khi nhìn những đứa con 5 - 6 tuổi của anh hau háu nhìn vào chén cơm trắng không độn của chúng tôi. Thế rồi sau những năm đại học dài dằng dặc rồi ra trường, cuộc đời trôi theo cơm áo, tôi đã quên đi lời hứa với thủ trưởng Dụng và anh Bảy Hiền là sẽ trở lại Tánh Linh.

Lạc Tánh ngày trở lại

Năm rồi, tình cờ gặp Thiếu tá Lê Ngôn tại nhà riêng của Đại tá Phúc ở Hà Nội, ba anh em cùng công tác với nhau thời trai trẻ. Rượu tàn, Lê Ngôn mời chúng tôi về thăm bạn bè cũ uống với nhau ly rượu để nhớ một thời xa vắng.

Thị trấn Lạc Tánh hôm nay.

Lạc Tánh bây giờ giàu đẹp không giống như cuối những năm 70, con đường hoa bưởi còi cọc đến mùa nở trắng năm xưa giờ mang tên Trần Hưng Đạo, hai bên đường cũng không còn cây bưởi nào, chỉ có nhà cao tầng, và đường phố phẳng lỳ, mọi thứ đều bê tông hóa chỉ có các loại cây xanh do công ty môi trường trồng theo dáng dấp của một thành phố đương đại. Chị Nhâm vợ thủ trưởng cũ của tôi, người phụ nữ một thời ôm con đứng khóc nhìn về miền Bắc những lúc chiều tà giờ đã 72 tuổi, hai chị em tóc bạc ôm nhau rấm rức khóc kể lể thời xa vắng. Chị nói với tôi trong nước mắt: “Ngày chú rời trại Huy Khiêm, chị vất vả lắm, lúc ấy, chị muốn dẫn con về Bắc đói khổ có nhau nhưng thằng Dũng nhà chị bị bệnh khớp, mỗi lần trời lạnh hai đầu gối nó đỏ ửng sưng vù bò lê ôm chân mẹ khóc. Người xưa nói bệnh khớp nó đớp vào tim, vì cũng muốn cháu được sống nên cắn răng ở lại nhưng lạy trời chúng nó mạnh khỏe, lớn lên như những củ khoai lăn lóc đầu hè. Thằng Dũng ngày xưa chú bồng bế bây giờ là trung tá quân đội, thằng Hà đen như đất, năm xưa chú hôn hít cũng đã có vợ con rồi cuộc sống đều ổn định, vợ thằng Dũng là con gái đầu của anh Bảy Hiền bạn thân của chú đó. Đêm ấy, được gặp Trung tá Đinh Hùng Dũng con trai đầu của thủ trưởng tôi, giờ cháu đã 50 tuổi, Dũng sở hữu gương mặt và màu da giống hệt bố. Lâu rồi không gặp, mấy mươi năm còn gì nhưng khi biết tôi là người lính năm xưa bồng bế và được bố mình trân quý nên tiếp đón một cách ân tình...

Hôm sau, vợ Dũng, con gái đầu Bảy Hiền dẫn tôi đến thăm bố đẻ. Ngồi trong căn nhà sang trọng như biệt thự vườn, tôi không nghĩ đây là tư thất của ông bạn mình, người đi hớt tóc dạo với lời rao trong khắc khoải và bữa cơm trắng đau buồn năm xưa. Anh chị bây giờ tóc đã bạc, không còn nụ cười héo hắt nữa. Tôi hỏi: “Các cháu giờ ra sao rồi anh? Nhớ ngày xưa nhìn những đôi mắt trong veo hao háo và đói rách của chúng nó mà chạnh lòng, không biết sau này có được học hành đàng hoàng, được trang bị vốn sống để hội nhập với đời hay là bước tiếp cuộc đời phiêu bạt như cha mẹ chúng nó!”. Bảy Hiền rót ly trà từ tốn: “Sau những năm Nhà nước đổi mới, vợ chồng tôi chuyển sang buôn bán, cuộc sống dễ thở hơn. Cháu đầu Trần Lam Thúy Dung phải nghỉ học sớm phụ mẹ nuôi em, còn mấy đứa khác đều tốt nghiệp đại học và có cuộc sống ổn định hết”.

Đồi Lồ Ồ, hình ảnh biểu tượng cho Tánh Linh xưa và nay. Lạc Tánh bây giờ là thị trấn sầm uất, lớp trẻ sinh ra sau thời mở cửa được mặc quần áo đẹp, đi xe ga, hàng ngày dán mắt trên chiếc smartphone. Trong họ có ai còn nhớ những người sống sót sau cuộc chiến trong căn nhà tranh tre tuềnh toàng và những tiếng gào khóc xé lòng của những người mẹ khi nhận tin con tử trận từ chiến trường về. Tất cả những hình ảnh bi hùng ấy là nền tảng cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tanh-linh-mot-thoi-de-nho-119934.html