Tánh Linh: Tập trung khắc phục khó khăn để phát triển kinh tế tập thể
Trước những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn, UBND huyện Tánh Linh cho biết, đã chỉ đạo khắc phục bằng nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể…
Huyện Tánh Linh xác định, cần phát triển KTTT, hợp tác xã (HTX) một cách bền vững, quá trình đó phải gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển đa dạng các loại hình HTX gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm có chất lượng, hàng hóa chủ lực, có sức cạnh tranh; nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế, ưu tiên hỗ trợ xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị với sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng của địa phương.
Tánh Linh phấn đấu trong năm 2024, toàn huyện có thêm 10 Tổ hợp tác (THT) đăng ký hoạt động, nâng tổng số trên địa bàn huyện 35 THT; thành lập 9 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn huyện là 23. Mỗi Hợp tác xã phải có trên 10 thành viên. Phấn đấu trên 50% HTX xếp loại khá trở lên, có ít nhất 40% tổ chức kinh tế hợp tác tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Doanh thu bình quân của HTX tăng khoảng 5-6%/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX và lãi bình quân của HTX tăng khoảng 3-5%/năm.
Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch hướng dẫn các HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX; tham mưu lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng giao thông nội đồng, thủy lợi trong khu vực sản xuất của HTX theo lộ trình đầu tư. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện về mặt chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp (chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập huấn lĩnh vực nông nghiệp). Tạo đầu mối hình thành hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP; nghiên cứu tham mưu thực hiện cánh đồng lớn. Phòng Kinh tế và Hạ tầng tập trung triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm truyền thống của các tổ chức KTTT; cung cấp các quy hoạch về hạ tầng giao thông nội đồng, thủy lợi để đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư.
UBND các xã, thị trấn thường xuyên củng cổ kiện toàn ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên để hướng dẫn, giúp đỡ HTX phát triển bền vững; tạo điều kiện phát huy tính dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức kinh tế, cá nhân, tổ chức, hộ gia đình tham gia thành viên HTX. Khuyến khích mở rộng thành viên là cán bộ xã, các tổ chức chính trị - xã hội, đa dạng hóa các thành viên trong tổ chức KTTT (thành viên chính thức và thành viên liên kết) theo nhu cầu, khả năng đóng góp và mức độ tham gia. Tạo điều kiện cho các HTX tham gia xây dựng đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, giao thông nông thôn; tăng cường liên kết giữa tổ chức KTTT với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp. Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp cần tổ chức vận động đoàn viên, hội viên tham gia làm thành viên HTX. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên HTX làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần KTTT, gắn việc kinh doanh, dịch vụ của tổ chức KTTT với các hoạt động công ích, cộng đồng, nâng cao uy tín của tổ chức KTTT đối với thành viên và khu vực nông thôn.
Được biết, Tánh Linh hiện có 24 tổ hợp tác (THT) với 158 thành viên, 16 HTX với trên 300 thành viên, tổng số vốn đăng ký hoạt động 14,3 tỷ đồng. Tổng số lao động bình quân các HTX 18 người, doanh thu bình quân 800 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của thành viên 5 - 10 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm đến nay đã thành lập thêm 2 HTX (HTX Nông Lâm Gia - Huy Khiêm và HTX Sầu Riêng Đức Phú), với số vốn đăng ký 1 tỷ đồng/43 thành viên…