Tank Biathlon năm 2022 Thay đổi trong Điều lệ thi đấu, tăng độ khó - Việt Nam vẫn xuất sắc!
Tại Army Games 2022 ở Nga, Kíp 1 Đội tuyển xe tăng Việt Nam đã hoàn thành bài thi Tank Biathlon khá tốt trong lượt đấu đầu tiên tại Bảng 1.
Những thay đổi cơ bản trong điều lệ, quy chế
Qua theo dõi thi đấu, người hâm mộ có thể thấy năm nay, điều lệ quy chế thi đấu có ít nhiều thay đổi so với năm 2021. Cụ thể, về thể thức thi đấu:
- Tại Bảng 2, chỉ thi đấu vòng đơn xe, cộng thành tích, đội nào nhanh nhất xếp trên.
- Tại Bảng 1 sẽ thi đấu theo thể thức cũ: vòng loại, vòng bán kết và vòng chung kết.
Về Quy chế thì có một số thay đổi:
- Khi bắn mục tiêu bia số 12 (xe tăng địch ở chính diện), thay cho việc hiện lần lượt từng bia với khoảng cách tăng dần (1600, 1700, 1800 mét) thì năm nay cả 3 bia hiện cùng một lúc. Năm nay cũng đưa thêm một chỉ tiêu nữa là "trong vòng 20 giây kíp xe phải khai hỏa được phát đầu tiên, nếu không sẽ bị phạt".
Ngoài ra, số vòng phạt phải chạy khi không bắn trúng bia số 12 là 2 vòng thay vì 1 vòng như năm 2021.
- Đối với các mục tiêu bắn bia số 25 (giả định trực thăng địch bay treo) và bia số 9 (giả định súng chống tăng cá nhân địch) thì súng cao xạ 12,7 mm và súng đại liên PKT thay vì được lắp sẵn trong xe sẽ để ở bàn bên ngoài. Khi xe bắt đầu chạy vào vòng thứ hai và thứ ba thì kíp xe mới đưa súng lên xe và lắp vào giá.
Độ khó tăng lên
Những thay đổi trên về cơ bản đều làm tăng độ khó cho kíp xe, nâng thêm trọng số cho kết quả bắn và sẽ có ảnh hưởng nhất định đến kết quả thi đấu. Cụ thể:
- Đối với bắn pháo vào bia số 12: Nếu như các năm trước, Ban Tổ chức (BTC) hiện lần lượt từng bia thì khi kíp xe phát hiện được mục tiêu sẽ chỉ tập trung vào bắn bia đó. Nếu trúng bia sẽ hạ, còn nếu không trúng bia vẫn đứng yên nên kíp xe dễ quan sát và thực hiện nhiệm vụ hơn.
Trong khi đó, năm nay BTC hiện cùng một lúc 3 bia sẽ gây phân tâm cho kíp xe, buộc họ phải lựa chọn bắn bia nào trước, bia nào sau. Trường hợp này cần sự phối hợp tốt giữa trưởng xe và pháo thủ, họ phải thống nhất ý chí và ra quyết định thật nhanh bởi sức ép 20 giây phải nổ súng.
Bên cạnh đó, bởi bia không ẩn khi trúng nên cũng đòi hỏi khả năng quan sát kết quả bắn của chỉ huy cũng như kíp xe để xác định đã bắn trúng hay chưa? Có cần lấy thêm đạn bắn tiếp?...
Ngoài ra, khi tăng số vòng phạt khi không bắn trúng bia này sẽ tăng thêm trọng số cho kết quả bắn mục tiêu này nói riêng và kết quả bắn nói chung trong tổng điểm mỗi kíp xe.
-Việc lắp súng máy cao xạ và đại liên PKT trong quá trình thi cũng gây thêm một số khó khăn cho kíp xe. Cụ thể:
Động tác lắp súng sẽ làm kéo dài thêm thời gian thi đấu. Bởi vậy, kíp xe phải có kỹ năng lắp súng thật thành thạo, phối hợp với nhau thật nhịp nhàng để lắp súng vừa nhanh, vừa chắc chắn... Tuy nhiên, đằng sau động tác này lại là kỹ năng xạ kích của kíp xe.
Thông thường, trước khi bắn người ta đều phải có động tác kiểm tra, hiệu chỉnh vũ khí. Kiểm tra để đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật của vũ khí, độ chắc chắn khi lắp ráp, cố định... Còn hiệu chỉnh để đảm bảo vũ khí đồng bộ với hệ thống kính ngắm, bắn chính xác các mục tiêu.
Vậy mà ở đây đến lúc vào vòng thi mới được lắp súng- nghĩa là súng không được hiệu chỉnh. Như vậy có thể nói chắc chắn súng sẽ không đồng bộ với hệ thống kính ngắm và sẽ có sai lệch ít nhiều.
Điều đó đòi hỏi kíp xe phải có kỹ năng quan sát kết quả bắn và sửa bắn thật tốt mới đạt kết quả cao. Điều này đòi hỏi bản lĩnh của pháo thủ rất cao bởi có khi sai lệch rất lớn, phải ngắm hẳn ra ngoài bia mới bắn trúng được.
Riêng đối với súng máy cao xạ, nếu bắn bằng thước ngắm cơ khí thì ảnh hưởng không nhiều. Các trưởng xe nên áp dụng cách bắn này. Còn với súng PKT có thể ngắm thấp một chút để dễ xác định điểm chạm, qua đó mạnh dạn sửa bắn theo kết quả quan sát.
Hơi tiếc một chút, kíp ViệtNam 1 không diệt được bia số 9, có lẽ là rơi vào tình huống này, tuy vậy các chiến sĩ xe tăng của chúng ta đã hoàn thành lượt thi đấu với thành tích tương đối xuất sắc.
Hy vọng các kíp 2 và 3 thi đấu sau sẽ rút được những kinh nghiệm quý báu để nâng cao thành tích mà kíp 1 đã đạt được.