Tạo bình đẳng trong tiếp cận y tế

Từ nền tảng khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) triển khai từ năm 2020, mô hình 'bác sĩ cho mọi nhà' đang từng bước lan tỏa tới vùng sâu, vùng xa, mang theo kỳ vọng về một nền y tế bình đẳng hơn. Những ca bệnh nguy kịch được cứu sống, những mạng lưới chuyên môn được hình thành là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của cả hệ thống.

Một buổi hội chẩn từ xa giữa các bác sĩ Trung tâm Y tế Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) với Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TTYT Hữu Lũng.

Một buổi hội chẩn từ xa giữa các bác sĩ Trung tâm Y tế Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) với Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TTYT Hữu Lũng.

Đưa bác sĩ đến gần hơn với người dân

Tháng 4/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát và giãn cách xã hội được áp dụng trên toàn quốc, Bộ Y tế chính thức phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 (theo Quyết định 2628/QĐ-BYT). Một trong những mục tiêu ban đầu của đề án là duy trì hoạt động khám chữa bệnh liên tục trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng chỉ sau thời gian ngắn triển khai, hiệu quả mang lại đã vượt xa mong đợi – đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, nơi người dân vốn khó tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng.

Từ vai trò đắc lực để giữ liên lạc chuyên môn giữa các tuyến, mạng lưới khám chữa bệnh từ xa đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, đến nay đã thiết lập được hơn 1.000 điểm cầu trên toàn quốc. Các buổi hội chẩn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật qua nền tảng trực tuyến không chỉ giúp nâng cao năng lực tuyến dưới, mà còn góp phần trực tiếp cứu sống hàng nghìn người bệnh nặng. Không ít trường hợp, bệnh nhân ở vùng khó khăn, nếu phải chuyển viện, có thể không kịp thời gian vàng điều trị. Nhờ hệ thống kết nối từ xa, các bác sĩ đầu ngành tại tuyến Trung ương có thể “có mặt” đúng lúc, kịp thời hướng dẫn xử trí ngay tại chỗ.

Một trong những đơn vị y tế duy trì hiệu quả bền vững là Bệnh viện Nhi Trung ương. Từ năm 2021 đến nay, bệnh viện đã tổ chức hàng trăm phiên hội chẩn trực tuyến, hỗ trợ chuyên môn cho gần 40 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Điển hình như trường hợp bé trai 3 tuổi ở Ninh Bình bị sốc nhiễm khuẩn nguy kịch hồi tháng 5/2025 – nhờ hội chẩn từ xa, kíp bác sĩ địa phương được hướng dẫn xử trí từng bước và giữ được bệnh nhân an toàn mà không phải chuyển tuyến. Hoặc ca bệnh viêm cơ tim tối cấp tại Lào Cai – một trong những bệnh nhi hiếm hoi được cứu sống nhờ ê-kíp ECMO từ Hà Nội lên tận nơi thực hiện kỹ thuật, sau khi được phát hiện nhờ hệ thống khám chữa từ xa.

Những trường hợp kể trên cho thấy hiệu quả bền vững mà Bệnh viện Nhi Trung ương đã và đang duy trì trong công tác hỗ trợ tuyến dưới thông qua hình thức khám chữa bệnh từ xa, đặc biệt trong lĩnh vực nhi khoa.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng là một trong những đơn vị y tế đầu tiên áp dụng và mở rộng hệ thống Telehealth từ tháng 4/2020. Đến cuối năm 2023, bệnh viện đã tổ chức 248 buổi hội chẩn trực tuyến cho hơn 2.000 ca bệnh, hỗ trợ khám chữa từ xa cho trên 5.000 bệnh nhân và kết nối với hơn 200 cơ sở y tế tuyến dưới…

Minh chứng rõ nét cho hiệu quả mô hình là ca bệnh ngộ độc thuốc cấp cứu tại Tuyên Quang vào đầu tháng 6/2025. Một bệnh nhân nữ 57 tuổi, có tiền sử đặt stent mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, huyết áp không đo được sau khi uống khoảng 100 viên thuốc hạ áp kết hợp thuốc ngủ. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa và bác sĩ chuyên khoa từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân được xử trí đúng phác đồ, qua khỏi cơn nguy kịch và chuyển tuyến an toàn.

Hiệu quả của mô hình khám chữa bệnh từ xa cũng đặt nền móng cho một hướng đi bền vững hơn: “Bác sĩ cho mọi nhà”. Đây là sáng kiến hợp tác giữa Bộ Y tế, UNDP và Tổ chức Y tế Hàn Quốc (KOFIH), được triển khai thí điểm tại 8 tỉnh từ năm 2020 và mở rộng thêm 10 tỉnh giai đoạn 2024–2026. Mỗi trạm y tế xã được kết nối với bác sĩ tuyến trên nhằm tư vấn, hội chẩn và quản lý sức khỏe cho người dân tại chỗ – đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai hoặc đồng bào dân tộc thiểu số.

Để “bác sĩ cho mọi nhà” giúp được từng người dân

Ngay từ thời điểm triển khai, khám chữa bệnh từ xa đã được xác định không chỉ là giải pháp tình thế trong giai đoạn dịch bệnh, mà là nền tảng cho một hệ thống y tế công bằng hơn, bền vững hơn. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Telehealth cần được định vị như một cấu phần chính thức trong chăm sóc sức khỏe toàn dân, đặc biệt tại những nơi mà người dân khó tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng do điều kiện địa lý, kinh tế hay thiếu hụt nhân lực.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh: “Khám chữa bệnh từ xa không nhằm thay thế hoàn toàn thăm khám truyền thống, mà là công cụ để bác sĩ tuyến trên tiếp cận người bệnh sớm hơn, chính xác hơn. Công nghệ sẽ hỗ trợ, nhưng điều quan trọng là niềm tin và cơ chế để nó được vận hành đồng bộ”.

Tuy nhiên, để mô hình “bác sĩ cho mọi nhà” đi vào thực tiễn, không thể phủ nhận những khó khăn đang hiện hữu. BS Nguyễn Thanh Hà - Đại diện tổ chức UNDP đánh giá, tại nhiều địa phương, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, hạ tầng công nghệ chưa đồng đều. Một số trạm y tế xã chưa có đường truyền ổn định hoặc nhân viên y tế còn lúng túng khi sử dụng phần mềm khám bệnh từ xa. Hồ sơ bệnh án điện tử chưa được đồng bộ giữa các tuyến cũng là rào cản khiến việc tư vấn, hội chẩn gặp trở ngại trong những trường hợp cần thông tin lâm sàng đầy đủ.

Nhưng những khó khăn ấy đang dần được nhận diện và khắc phục. Không ít địa phương đã chủ động đào tạo lại đội ngũ y tế cơ sở, tận dụng các chương trình viện trợ quốc tế để cải thiện thiết bị, đường truyền. Các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương cũng đang tích cực xây dựng mạng lưới chuyên môn kết nối với trạm y tế xã – không chỉ hội chẩn mà còn kèm theo huấn luyện kỹ năng xử trí lâm sàng từ xa. Đây chính là cách để không chỉ “mang bác sĩ đến tận nhà”, mà còn giúp nâng cao năng lực của đội ngũ y tế ngay tại địa phương.

Khám chữa bệnh từ xa không đơn thuần là sự kết nối bằng mạng internet hay phần mềm số. Đó là hành trình kiến tạo một nền y tế công bằng hơn - nơi mỗi người dân, dù ở thành phố hay vùng núi cao, đều có quyền được tiếp cận bác sĩ đúng lúc, đúng nơi, đúng cách. Trên hành trình ấy, dù còn không ít khó khăn, nhưng đó là con đường không thể không đi - bởi đích đến cuối cùng chính là sự sống và sức khỏe của nhân dân.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tao-binh-dang-trong-tiep-can-y-te-10309277.html