Tạo bước đột phá trong sản xuất lúa

ĐBP - Huyện Điện Biên có vùng chuyên canh lúa lớn nhất tỉnh, là địa phương tiên phong thí điểm thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn và bước đầu thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Lò Văn Thanh, đội 1, xã Thanh Hưng phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa đông xuân năm 2021.

Hiệu quả bước đầu

Năm 2018, huyện Điện Biên thực hiện thí điểm dồn điền đổi thửa 59,05ha lúa 2 vụ tại 2 xã: Thanh Yên và Thanh Hưng. Trong đó xã Thanh Yên dồn, đổi từ 498 thửa thành 131 thửa (giảm gần 73,7% số thửa); diện tích trung bình sau khi dồn đạt 1.542m2/thửa so với 460,24m2/thửa trước khi dồn. Tại xã Thanh Hưng, thực hiện dồn, đổi 989 thửa với tổng diện tích 41,78ha thành 310 thửa, diện tích 38,85ha (giảm hơn 68,6% số thửa); diện tích trung bình sau khi dồn đạt 1.253,2m2/thửa.

Sau khi thực hiện thành công dồn điền đổi thửa, huyện Điện Biên tiếp tục ban hành cơ chế hỗ trợ các hộ dân về giống, 50% phân bón cải tạo đất và thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ áp dụng máy cấy trên các diện tích thực hiện mô hình. Cùng với đó, người dân cơ giới hóa trong sản xuất nên năng suất, sản lượng các vụ lúa vùng dự án liên tục tăng. Tại xã Thanh Hưng, năng suất lúa vụ đông xuân 2019 - 2020 đạt 67 tạ/ha, cao hơn 1,72 tạ/ha so với năng suất bình quân của huyện; tại xã Thanh Yên đạt 68 tạ/ha.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Việc triển khai dồn điền đổi thửa đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ. Trước đây, mỗi hộ có khoảng 3 - 5 thửa ruộng, phân bố tại nhiều nơi. Sau khi dồn ruộng, mỗi hộ chỉ có từ 1 - 2 thửa với diện tích tối thiểu từ 700m2 trở lên; người dân đã chuyển từ hình thức canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung. Hệ thống kênh mương tưới tiêu thuận lợi; đường giao thông nội đồng đến từng thửa ruộng đã tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa giúp người dân giảm sức lao động, giảm sâu bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, công tác dồn điền đổi thửa tạo tiền đề cho các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo hướng tái cơ cấu, nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp.

Cánh đồng đội 1, đội 5, đội 6 (xã Thanh Hưng) hiện nay đã vuông vắn, liền ô liền thửa; đường giao thông kiên cố đến từng thửa ruộng, thuận lợi cho quá trình sản xuất của người dân.

Anh Lò Văn Thanh, nông dân đội 1, xã Thanh Hưng phấn khởi cho biết: Chủ trương dồn điền đổi thửa rất đúng đắn, phù hợp với điều kiện sản xuất của xã. Trước đây, gia đình tôi có 5 thửa ruộng với tổng diện tích khoảng 2.400m2. Thực hiện dồn điền đổi thửa, gia đình tôi chỉ còn 2 thửa ruộng, diện tích mỗi thửa 1.000m2. Tuy diện tích có giảm do làm đường, làm kênh mương nhưng có điều kiện sản xuất thuận lợi, áp dụng 100% cơ giới trong sản xuất, giảm chi phí đầu tư; năng suất, sản lượng lúa cao hơn trước, hiệu quả kinh tế tăng. Đơn cử như ruộng tập trung không phải di chuyển nhiều trong mùa vụ; sử dụng máy cấy, máy gặt giảm chi phí thuê nhân công (giảm 300.000 - 400.000 đồng/1.000m2); xe cơ giới vào tận ruộng chở lúa không phải mất công vận chuyển. Cùng với đó năng suất lúa tăng 1 - 2 tạ so với sản xuất trước đây.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Sau 2 năm thực hiện thí điểm, vừa qua UBND huyện Điện Biên đã tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả các dự án dồn điền đổi thửa trên địa bàn. Ban chỉ đạo huyện đánh giá cao hiệu quả của các dự án và thống nhất tiếp tục vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để nhân rộng mô hình dồn điền đổi thửa trên địa bàn các xã vùng lòng chảo.

Ông Chu Văn Bách chia sẻ: Đây là chương trình mới, là huyện thí điểm triển khai, chưa có chính sách cụ thể của tỉnh, hướng dẫn của ngành chuyên môn nên quá trình thực hiện huyện Điện Biên vừa làm vừa nghiên cứu, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách để thực hiện. Hiện nay nhu cầu của người dân về dồn điền đổi thửa rất lớn tuy nhiên nguồn kinh phí của huyện hạn chế nên chưa thể triển khai quy mô rộng. Năm 2021, huyện Điện Biên tiếp tục triển khai gần 60ha tại xã Thanh Hưng. Giai đoạn tiếp theo, dự kiến sẽ nhân rộng mô hình ra 100% các xã vùng lòng chảo.

Khi biết tin xã Thanh Hưng tiếp tục được UBND huyện Điện Biên lựa chọn để triển khai dự án dồn điền đổi thửa, người dân trên địa bàn rất phấn khởi. Anh Lò Văn Hướng, đội 16, xã Thanh Hưng cho biết: “Sau 2 năm thí điểm, dự án dồn điền đổi thửa mang lại hiệu quả rõ rệt. Chúng tôi mong muốn UBND huyện tiếp tục thực hiện dự án tại 100% cánh đồng trên địa bàn xã và sẵn sàng đối ứng kinh phí để cùng UBND xã thực hiện dự án. Hiện nay chủ trương, phương án triển khai dự án năm 2021 đã được UBND xã họp dân, thông báo đến từng thôn đội có ruộng thuộc phạm vi dự án, người dân nhất trí cao”.

Hiện nay, UBND xã Thanh Hưng đã hoàn thành công tác chuẩn bị thực hiện Dự án dồn điền đổi thửa năm 2021. Ông Lường Văn Tọ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thành công của dự án năm 2018 đã khiến nhu cầu của người dân về dồn điền đổi thửa rất lớn, tổng diện tích đăng ký gần 100ha. Tuy nhiên, UBND huyện chỉ phê duyệt quy mô dự án gần 60ha nên UBND xã quyết định triển khai dự án tại cánh đồng thuộc các đội 14, 15. Đến thời điểm này, UBND xã đã có tờ trình lên UBND huyện; xây dựng các phương án, dự toán kinh phí và tổ chức họp dân, tuyên truyền, vận động và được người dân đồng thuận cao. Dự kiến, dự án sẽ triển khai ngay sau khi kết thúc vụ mùa năm 2021.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/186355/tao-buoc-dot-pha-trong-san-xuat-lua