Tạo bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới về phòng, chống dịch Covid-19
Chính sách chống dịch dần được quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, phá vỡ tình trạng 'đóng băng' trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế - xã hội ở một số nơi trong thời gian vừa qua.
Ngày 18-10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới"...
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ: Trong mọi điều kiện, kể cả trạng thái bình thường hay trong giai đoạn chống dịch thì ngành Giao thông - Vận tải luôn phải đáp ứng được yêu cầu phục vụ lưu thông hàng hóa, phục vụ việc đi lại của người dân và phục vụ phòng, chống dịch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia đã phân tích, bình luận, làm rõ hơn các thông tin, nội dung cụ thể liên quan đến Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" (gọi tắt là Nghị quyết số 128/NQ-CP); tư duy và sự chuyển hướng chiến lược của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch cũng như việc đưa Nghị quyết số 128/NQ-CP vào thực thi hiệu quả trong cuộc sống.
Các đánh giá cho thấy, sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát; số người mắc và số người tử vong do dịch bệnh những ngày qua liên tục giảm. Cuộc sống đang dần trở về trạng thái “bình thường mới”. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội đang được khôi phục và ngày càng sôi động hơn.
Từ thực tiễn tình hình, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Trên tinh thần này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, từ đó đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch; chính sách chống dịch dần được quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, phá vỡ tình trạng "đóng băng" trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế - xã hội ở một số nơi trong thời gian vừa qua; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện “mục tiêu kép”, đưa cả nước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
Theo GS Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam, để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các biện pháp chống dịch, đầu tiên, người dân phải tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế, và quan trọng là khai báo y tế, đưa ứng dụng PC-Covid vào để kiểm soát rộng hơn. Thứ hai, vấn đề tiêm phủ vắc xin là rất cấp thiết, tỉnh, thành phố nào cũng cần. Bộ Y tế hiện đang ưu tiên tuyến đầu chống dịch. "Cần ưu tiên tiêm cho đội ngũ shipper, học sinh, sinh viên để các em có thể đi học lại bình thường", GS Nguyễn Anh Trí nói.
Về việc lưu thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ thông tin, hiện chúng ta đang ứng dụng công nghệ dùng mã QR để khai báo y tế. Song có địa phương vẫn yêu cầu bộ phận chức năng ngồi ghi từng số xe thì chưa phù hợp. Ngành Y tế đã quy định xét nghiệm 72 giờ thì cả nước thực hiện 72 giờ, có địa phương lại bảo chỉ có giá trị 24-48 giờ. Nếu thực hiện chưa đồng bộ sẽ có những bức xúc. Đây là những tồn tại cần khắc phục để Nghị quyết số 128/NQ-CP đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn.
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.