Mở đầu buổi lễ bàn giao phòng học máy tính cho trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình), 2 học sinh đại diện câu lạc bộ (CLB) Lập trình và Stem của nhà trường đã tạo ấn tượng đặc biệt cho các nhà tài trợ. Dự án 'Nhà vệ sinh thông minh' của CLB được các em thuyết trình xúc tích, sinh động, đầy thuyết phục bằng 2 ngôn ngữ: Tiếng Việt và tiếng Anh. Đây là một trong số khá nhiều sản phẩm giáo dục Stem mà CLB đã lập trình thời gian qua, minh chứng cho niềm yêu thích khoa học trong một bộ phận học sinh ưu tú của trường THPT Công Nghiệp.
Học sinh huyện Lạc Sơn giới thiệu sản phẩm KHKT tự nghiên cứu để tham gia cuộc thi "Sản phẩm giáo dục STEAM năm học 2021 - 2022" do Phòng GD&ĐT huyện Lạc Sơn tổ chức. Thay mặt các nhà tài trợ, ông Đoàn Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty CP bảo hiểm Bưu điện (PTI) chia sẻ: Từ trước đến nay, tôi đã tham gia nhiều lễ bàn giao quà của nhà tài trợ nhưng đây là lễ bàn giao khiến tôi ấn tượng nhất. Bởi học sinh trường THPT Công Nghiệp đã có màn thể hiện xuất sắc, cho thấy bản lĩnh, trí tuệ, đặc biệt là tình yêu của các em dành cho khoa học máy tính. Tôi đánh giá cao tính khả thi của dự án "Nhà vệ sinh thông minh”. Sản phẩm này không những có thể ứng dụng luôn trong các nhà trường, mà còn là giải pháp hữu hiệu để sử dụng rộng rãi trong thực tế cuộc sống, khắc phục được nhiều điểm hạn chế của nhà vệ sinh công cộng. Cũng như dự án "Nhà vệ sinh thông minh”, vừa qua, các dự án của học sinh Hòa Bình đều tạo được ấn tượng tốt đẹp cho các nhà tài trợ, khi được lựa chọn để giới thiệu tại buổi họp báo tổng kết chương trình Vietnam Forward - "Tăng cường phổ cập kỹ năng số và thúc đẩy sự liên tiếp trong giáo dục” do tập đoàn Qualcomm phối hợp Quỹ Dariu tổ chức tại Hà Nội. Thông qua việc tự mình tạo ra các sản phẩm giáo dục Stem/Steam, từ nghiên cứu lý thuyết đến thực hành để tạo ra sản phẩm là một quá trình tràn ngập niềm say mê. Các em đã chủ động khám phá tri thức, rèn luyện để phát triển năng lực, ứng dụng linh hoạt kiến thức được học trên ghế nhà trường để tạo ra các sản phẩm lập trình có tính thực tiễn. Đây chính là những món quà các nhà tài trợ như Qualcomm, Dariu, PTI, AITT… mong muốn nhận được khi quyết định đồng hành cùng giáo dục Hòa Bình. Đồng thời, chính là "chất xúc tác” hữu hiệu các nhà tài trợ mong muốn tạo ra để thắp sáng tinh thần ham học, lan tỏa tình yêu với khoa học trong các trường học tại Hòa Bình. Theo Sở GD&ĐT: Những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục. Đặc biệt, tăng cường áp dụng giáo dục Stem/Steam trong nhà trường nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn với ứng dụng thực tiễn, theo hướng tiếp cận tích hợp nội môn hoặc liên môn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển xã hội số là: "Triển khai mô hình giáo dục tích hợp khoa học - kỹ thuật - công nghệ - toán học và nghệ thuật (giáo dục Stem/Steam), phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp; đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số”. Đây sẽ là giải pháp ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục khắc phục khó khăn, nỗ lực thực hiện trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Được biết, hiện nay, ngành GD&ĐT tích cực phổ cập kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên và học sinh, việc đưa khoa học máy tính và lập trình, giáo dục Stem/Steam vào giáo dục bước đầu có những kết quả đáng khích lệ. Năm học 2021 - 2022, ngành triển khai đến 53 trường mầm non, hướng dẫn khoảng 5.000 trẻ em từ 4 - 6 tuổi được tiếp cận với khoa học máy tính qua lập trình trên điện thoại thông minh với ngôn ngữ Scratch Junior. Hiện nay, có khoảng 200 CLB lập trình, CLB Stem/Steam được thành lập trong các nhà trường; trên 3.000 lượt giáo viên được tập huấn tăng cường kỹ năng số trong giáo dục; hơn 100.000 lượt học sinh được tiếp cận khoa học máy tính và lập trình qua các ngôn ngữ lập trình Blockly và làm quen với vi điều khiển… Đặc biệt, trong nỗ lực tiếp cận với khoa học máy tính, các CLB đã tạo ra nhiều sản phẩm, dự án Stem/Steam và được đánh giá cao khi tham dự các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật các cấp. Nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng thực tiễn, nhân văn và có hàm lượng công nghệ cao, nhiều sản phẩm đã ứng dụng vạn vật kết nối (IoT internet of things) và trí tuệ nhận tạo (AI Artificial Intelligence), ý tưởng các dự án, sản phẩm đều bắt đầu từ chính cuộc sống, được Ban giám khảo các cuộc thi đánh giá cao. Đây chính là những "chất xúc tác” quan trọng để ngành GD&ĐT lan tỏa niềm yêu thích khoa học trong nhà trường, thắp lên niềm đam mê khoa học cho hàng nghìn học sinh, tạo thêm động lực cho hành trình chuyển đổi số. Thu Trang