Tạo chuyển biến thực chất trong các lĩnh vực được chất vấn
Nhìn lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 15.8, các đại biểu Quốc hội cho rằng, hai Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính đều nắm chắc vấn đề, bảo đảm thời gian theo yêu cầu, đi thẳng vào các nội dung được hỏi, không né tránh. Các đại biểu mong muốn, với những cam kết, giải pháp đã đưa ra, các Bộ trưởng cần làm ngay để tạo chuyển biến thực chất trong các lĩnh vực được chất vấn.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh:
Chất vấn đi vào trọng tâm, mang tính xây dựng cao
Tôi đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn chất vấn đối với lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp không mới, nhất là về công tác xây dựng pháp luật, nhưng có ý nghĩa quan trọng để đánh giá chính xác các hạn chế, vướng mắc và đề ra những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác lập pháp; xây dựng, triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp tại Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa.
Qua Phiên chất vấn cho thấy, các đại biểu Quốc hội ngày càng thể hiện được trách nhiệm trước các vấn đề đặt ra của thực tiễn, các câu hỏi đều ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào trọng tâm, trọng điểm vấn đề, việc tranh luận cũng rất thẳng thắn và mang tính xây dựng cao. Dù lần đầu tiên đăng đàn nhưng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long với rất nhiều năm đảm nhận vị trí này đã nắm chắc các vấn đề và trả lời thẳng thắn, cơ bản đầy đủ hết các nội dung, các câu hỏi và tranh luận của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng cũng không né tránh, vòng vo và chỉ rõ những bất cập, hạn chế, các giải pháp khắc phục với mỗi nội dung được chất vấn.
Tôi kỳ vọng, sau Phiên chất vấn, những vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật sẽ được giải quyết. Đồng thời, với những cam kết, giải pháp cụ thể các Bộ trưởng đưa ra thì cần phải làm ngay để giúp cho lĩnh vực phụ trách có những chuyển biến ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.
ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (TP. Hải Phòng):
Phải hạn chế nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết
Bộ trưởng Lê Thành Long là người được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Do vậy, Bộ trưởng trả lời chắc chắn, bảo đảm thời gian theo yêu cầu, đi thẳng vào vấn đề, cơ bản đáp ứng đầy đủ hết các nội dung, các câu hỏi và các nội dung tranh luận của các đại biểu Quốc hội.
Việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật là một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nêu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đối với vấn đề này, Bộ trưởng đã thẳng thắn thừa nhận về việc số văn bản quy định chi tiết còn nợ khá nhiều, trong đó có không ít văn bản quy định chi tiết đã “nợ” nhiều năm. Bộ trưởng đã đưa ra hướng giải quyết, nhưng, tôi cho rằng, nếu Bộ trưởng trả lời kỹ hơn về giải pháp khắc phục thì sẽ tốt hơn.
Ngay từ đầu, khi Chính phủ, các Bộ ngành xây dựng các dự án luật cần cố gắng giảm số lượng những nội dung giao Chính phủ, Bộ, ngành ban hành văn bản quy định chi tiết. Trong thời gian qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến với các dự án luật rất chú ý vấn đề này, nhiều lần kiên quyết phản đối những dự án luật có quá nhiều điều khoản văn bản hướng dẫn quy định chi tiết. Nhưng, trong thực tế, vẫn có một số luật cần nhiều văn bản hướng dẫn thi hành mới thực thi được, ví dụ như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có 65 văn bản quy định chi tiết, có những văn bản sai lệch với tinh thần của Luật. Nếu số lượng văn bản hướng dẫn thực hiện luật quá nhiều thì với số lượng cán bộ pháp chế và quỹ thời gian thẩm định còn hạn chế như hiện nay sẽ rất dễ xảy ra sơ hở.
Việc nợ chậm văn bản quy định chi tiết là thuộc về trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành được giao thực hiện. Điều này đòi hỏi các Bộ trưởng, trưởng ngành phải quyết liệt kiểm tra, đôn đốc các cơ quan tham mưu xây dựng văn bản quy định chi tiết. Tất nhiên, điều cần lưu tâm không chỉ là tiến độ mà quan trọng hơn là chất lượng các văn bản quy định chi tiết. Cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật để không còn xuất hiện văn bản hướng dẫn thực hiện vênh với luật, thiếu thống nhất trong hệ thống các văn bản hướng dẫn có cùng không gian, cùng điều chỉnh một quan hệ xã hội.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm; giải trình khá đầy đủ, có tinh thần trách nhiệm và cầu thị trước các vấn đề liên quan đến những tồn tại, hạn chế. Tôi cũng ghi nhận nỗ lực của Bộ trưởng trong việc đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong phạm vi phụ trách. Hiện nay, nhiều giải pháp đã và đang triển khai đạt được kết quả tích cực, trong đó, hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản từng bước được cải thiện; các giải pháp gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản có bước tiến triển được Ủy ban châu Âu ghi nhận.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương):
Có lộ trình thực hiện rõ ràng, cụ thể hơn
Các nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hoàn toàn thiết thực, mang tính thời sự cao bởi đây là những nội dung gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân.
Qua chất vấn có thể thấy, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, bởi ngành luôn có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong các điều kiện khó khăn.
Tôi đánh giá cao những đánh giá và những giải pháp của Bộ trưởng Lê Minh Hoan trước việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản. Theo tôi, phải tăng cường áp dụng khoa học công nghệ và tuân thủ các quy trình khai thác, phát triển nguồn lợi thủy sản để đẩy nhanh việc gỡ “thẻ vàng”. Hiện nay, các nước đang phát triển hay trong Liên minh Châu Âu rất quan tâm đến việc nhập khẩu các sản phẩm sạch, không được gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe của người dân. Do đó, trong chế biến thủy sản, cơ sở chế biến, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự quản lý, kiểm tra chặt chẽ quy trình của doanh nghiệp.
Trên tinh thần Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại trong thực tiễn cuộc sống, tôi cho rằng, mỗi lần chất vấn là cơ hội để các Bộ trưởng, tư lệnh ngành giải trình trước Quốc hội, các đại biểu Quốc hội những khó khăn, vướng mắc để cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ kịp thời. Tôi kỳ vọng, sau Phiên chất vấn, Chính phủ, các Bộ ngành sẽ có lộ trình báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những công việc đã thực hiện được một cách rõ ràng, cụ thể hơn trong thời gian tới.