Tạo chuyển biến tích cực trong đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Bình Định được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách dân tộc. Nhờ đó, đời sống của bà con được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, đồng bộ.

Nhiều hộ đồng bào DTTS ở Bình Định được định cư trong ngôi nhà mới khang trang. Ảnh: T. Nhân

Nhiều hộ đồng bào DTTS ở Bình Định được định cư trong ngôi nhà mới khang trang. Ảnh: T. Nhân

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Bình Định đã đầu tư hơn 600 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân vùng đồng bào DTTS, với tổng kinh phí trên 1.172 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác của Trung ương và địa phương. Những công trình được đầu tư tập trung ở vùng đặc biệt khó khăn đã cơ bản giải quyết được nhu cầu bức thiết của người dân.

Đặc biệt là từ khi thực hiện Chương trình MTQG 1719, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường giải ngân nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa nhà tạm, dột nát, giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có bước chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội.

Theo đó, trong năm 2023 các địa phương đã tập trung xây dựng mới 3 hệ thống nước sạch tự chảy tại các huyện Vân Canh, Hoài Ân, An Lão; hỗ trợ nhà ở cho 68 hộ nghèo và chuyển đổi nghề cho 679 người; đầu tư xây dựng 4 khu tái định canh, định cư tại huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh; triển khai thực hiện đầu tư mới 36 công trình dân sinh; tổ chức 26 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho 980 người tại huyện Vĩnh Thạnh, An Lão…

Bên cạnh xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các địa phương miền núi trong tỉnh Bình Định còn tập trung giải ngân nguồn vốn Dự án 1 (Chương trình MTQG 1719), nhằm hỗ trợ cho hộ nghèo có điều kiện xây dựng mới nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Theo ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, mục tiêu tỉnh đặt ra trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025 là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3% - 4%; giữ vững 100% xã có đường ô tô được nhựa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 95% đường ở thôn được bê tông hóa, cứng hóa; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ DTTS hộ nghèo… Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

T. Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tao-chuyen-bien-tich-cuc-trong-doi-song-vung-dong-bao-dtts-va-mien-nui-10293067.html