Tạo chuyển biến trong cải cách hành chính
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) ở cả 3 cấp đạt chỉ tiêu của Ban TVTU giao và tăng 4,93% so với năm 2022; tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến cũng được cải thiện, tăng 15,81% so với năm trước.
Những con số nói trên đã cho thấy rõ nỗ lực của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC), nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Tuy vậy, để phục vụ tốt hơn nữa cho người dân, DN và góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ trong năm 2024, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh phải có sự cố gắng nhiều hơn nữa.
* Thêm nhiều sáng kiến, mô hình
Năm 2023, P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh) đã áp dụng mô hình quét mã QR trong cải cách TTHC. Đây là phường đầu tiên của TP.Long Khánh áp dụng mô hình này. Sáng kiến này cũng đã xuất sắc đoạt giải nhất tại hội thi Tuyên truyền CCHC năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND P.Bảo Vinh Trần Văn Kim cho biết, trước đây, khi đến phường làm các TTHC…, người dân phải điền các thông tin vào mẫu đơn nên mất nhiều thời gian và dễ bị sai sót. Từ khi áp dụng sáng kiến trên, người dân chỉ cần quét mã QR để tìm hiểu thành phần hồ sơ và cách thức thực hiện đăng ký TTHC thông dụng thông qua đường link ứng dụng trên Trang thông tin điện tử phường.
“Người dân rất hào hứng, chủ động truy cập tra cứu mã QR. Số người dân quan tâm, truy cập ngày một tăng ở đầy đủ lứa tuổi. Số lượng TTHC tiếp nhận, giải quyết cho người dân nhiều hơn và thời gian giải quyết nhanh hơn so với trước đây” - ông Trần Văn Kim nói.
Theo đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn, đúng hạn của phường năm 2023 được nâng lên 97,39%. Việc triển khai thực hiện TTHC mức độ 3, 4 trên địa bàn phường từng bước hiệu quả. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đã tiếp nhận và giải quyết đạt 86,9%. 100% công dân khi được lấy ý kiến đều bày tỏ sự hài lòng đối với chất lượng giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa của phường.
Chủ tịch HĐND tỉnh THÁI BẢO:
Tập trung chỉ đạo tạo chuyển biến rõ nét công tác CCHC
UBND tỉnh cần tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện có hiệu quả các kiến nghị qua giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh trong năm 2023 liên quan đến công tác CCHC. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét công tác CCHC, công tác chuyển đổi số; siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ, nâng cao trách nhiệm, tinh thần và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhất là ở các cơ quan hành chính nhà nước trong thực thi công vụ. Có biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm trong thực thi công vụ…
Phó giám đốc Sở TN-MT NGUYỄN NGỌC HƯNG:
Nỗ lực xử lý các TTHC đúng hạn cao nhất
Thời gian qua, Sở TN-MT luôn chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, kiểm tra, giám sát đối với công tác CCHC, đưa nội dung CCHC vào nghị quyết họp chi bộ thường kỳ hàng tháng; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết TTHC. Sở luôn quán triệt công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, các phòng chuyên môn xử lý hồ sơ phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quan liêu, hách dịch, tận tình hướng dẫn người dân và DN nhằm mục tiêu kết quả xử lý các TTHC đạt tỷ lệ sớm và đúng hạn cao nhất.
Hồ Thảo (ghi)
Đơn vị có số lượng hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giải quyết rất lớn là Sở TN-MT. Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, Sở đã rất nỗ lực để xử lý các TTHC đạt tỷ lệ sớm và đúng hạn cao nhất.
Một trong những mô hình nổi bật năm 2023 phải kể đến của Sở là rút ngắn hồ sơ TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Theo đó, Sở đã chủ động sắp xếp, bố trí nhân sự rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục: đăng ký biến động thay đổi thông tin người sử dụng đất; gia hạn thời gian sử dụng đất; đăng ký giao dịch bảo đảm (xóa thế chấp) từ 2-10 ngày làm việc xuống chỉ còn 1 ngày làm việc. Qua đó, đã tạo thuận lợi và nâng cao sự hài lòng của người dân, DN.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho hay, TP.Biên Hòa đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện chất lượng giải quyết TTHC. Thành phố cũng tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao vai trò người đứng đầu trong việc gương mẫu, ý thức tự giác chấp hành, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm... Nhờ đó, công tác CCHC của thành phố đã có sự chuyển biển rõ rệt; nếu như chỉ số CCHC năm 2021 ở thứ hạng 7 thì đến năm 2022 đã vươn lên xếp hạng 2.
Theo UBND tỉnh, nhìn chung công tác CCHC của tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã chỉ đạo nghiêm thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là tình trạng cấp trưởng giao khoán công tác CCHC cho cấp phó, thiếu đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh trách nhiệm thực hiện… Nhờ đó, một số tiêu chí cụ thể trong CCHC đã được cải thiện so với năm 2022 và đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2023.
* Lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn một số tồn tại. Từ các chuyến giám sát chuyên đề trong năm 2023, HĐND tỉnh đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số đơn vị, địa phương còn chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao, còn giao khoán cho cấp phó. Một số nội dung, mục tiêu của kế hoạch CCHC hàng năm chưa đạt, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đánh giá các chỉ số của tỉnh. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa một số phòng, ban, đơn vị, địa phương trong quá trình giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, DN, để người dân, DN phải đi lại bổ sung hồ sơ nhiều lần.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tại cấp sở đạt 99,61%, cấp huyện đạt 97,1%, cấp xã đạt 98,76% (chỉ tiêu theo kế hoạch ở 3 cấp là trên 96%). Tỷ lệ hài lòng của người dân, DN ở cả 3 cấp là 98,53%, đạt chỉ tiêu của Ban TVTU giao và tăng 4,93% so với năm 2022. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được cải thiện; trung bình 3 cấp đạt 43,62%, tăng 15,81% so với năm 2022.
Lãnh đạo một số ngành, lĩnh vực cũng chia sẻ khó khăn như: việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm chuyên ngành của một số bộ, ngành với phần mềm của tỉnh chưa đồng bộ, gây khó khăn trong việc tiếp nhận và theo dõi, thống kê kết quả giải quyết TTHC; quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến cho một số ngành chưa thật sự hiệu quả do thành phần hồ sơ còn phức tạp hoặc tính pháp lý của hồ sơ điện tử chưa được quy định (như hồ sơ lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư...).
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, năm 2024, Đồng Nai đề ra 31 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Để đạt được các chỉ tiêu này, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
Trong đó, liên quan đến CCHC, cần tiếp tục thực hiện xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ. Cùng với đó, phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử của tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo chỉ tiêu, lộ trình đề ra. Thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; số hóa kết quả giải quyết TTHC theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tập trung hoàn thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng các cơ sở dữ liệu điện tử trên địa bàn tỉnh...