Tạo chuyển biến trong dạy và học tiếng Anh
Nhằm tạo chuyển biến tích cực trong chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, thời gian qua ngành giáo dục tỉnh nhà đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; bồi dưỡng kỹ năng dạy, học và đánh giá môn học này trong các nhà trường từ cấp tiểu học đến THPT.
Thầy, trò Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ trong giờ học tiếng Anh.
Phát huy lợi thế đội ngũ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn khung tham chiếu ngôn ngữ chung Châu Âu cùng với tinh thần, trách nhiệm và lòng yêu nghề, Trường Tiểu học Quảng Yên (Quảng Xương) đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực không ngừng nâng cao chất lượng dạy, học môn tiếng Anh.
Theo cô giáo Trịnh Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Yên, để tạo chuyển biến trong chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học, nhà trường còn tạo điều kiện cho giáo viên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thường xuyên tổ chức dự giờ, sinh hoạt chuyên môn. Đặc biệt, trong quá trình dạy học, ngoài những giờ học chính khóa, nhà trường tăng cường rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, thuyết trình cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa bổ ích, như sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh; tổ chức các buổi đọc sách truyện, tài liệu song ngữ... Hoạt động này đã tạo hứng thú cho học sinh đối với môn học, góp phần hình thành, phát triển tốt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Qua đánh giá, xếp loại, số lượng học sinh hoàn thành tốt môn tiếng Anh của nhà trường hằng năm luôn đạt từ 98 - 99%. Mỗi năm có từ 13 - 15 em đoạt giải trong các kỳ giao lưu tiếng Anh cấp huyện. Năm học 2023-2024 này nhà trường có 7 học sinh đoạt giải cấp tỉnh và 4 học sinh tham gia cấp quốc gia trong Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE).
Thầy giáo Viên Đình Huy, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quảng Xương cho biết: Không chỉ Trường Tiểu học Quảng Yên, tại các trường tiểu học và THCS khác trong toàn huyện phong trào dạy và học tiếng Anh đang được đẩy mạnh thông qua các hoạt động như: tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của việc dạy và học tiếng Anh; tăng cường các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi, hội thi, sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh; khuyến khích giáo viên, học sinh tích cực tự học nâng cao trình độ, phát triển kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ; kịp thời biểu dương, khen thưởng những giáo viên, học sinh đạt thành tích trong dạy và học...
Tương tự, những năm gần đây Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ (TP Sầm Sơn) mỗi năm có từ 9 học sinh đoạt giải học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh; 6 đến 7 em thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn lớp chuyên tiếng Anh... cho thấy chất lượng dạy học môn tiếng Anh đã có sự chuyển biến tích cực.
Thầy giáo Lê Minh Đức, giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng dạy, học môn tiếng Anh, bản thân người thầy phải không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy để truyền đạt nội dung đến học sinh một cách hiệu quả nhất. Trước đây, việc dạy học chỉ chú trọng về ngữ pháp và viết, nhưng hiện nay kỹ năng giao tiếp, sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp đã được chú trọng và tăng cường trong mỗi giờ dạy”.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ, chủ trương của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh đó là trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu tham khảo phục vụ cả giáo viên và học sinh. Ưu tiên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập. Đặc biệt, nhà trường thường xuyên phối hợp với các trung tâm Anh ngữ tổ chức hoạt động ngoại khóa như thi rung chuông vàng, hùng biện bằng tiếng Anh, sinh hoạt câu lạc bộ nhằm nâng cao kỹ năng nói, giao tiếp cho học sinh cũng như tạo động lực, hứng thú cho các em khi học tập môn học này.
Được biết, ngoài những giải pháp mà các trường học trên địa bàn TP Sầm Sơn chủ động triển khai thực hiện, để tạo chuyển biến trong dạy và học môn tiếng Anh, Phòng GD&ĐT TP Sầm Sơn còn phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tổ chức giao lưu tiếng Anh theo định kỳ 2 năm một lần cho mỗi bậc học. Đặc biệt, từ năm học 2017-2018, nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã phối hợp với Trung tâm Anh ngữ Let’s go tổ chức cho học sinh khối 1, 2 làm quen với tiếng Anh ngoài giờ chính khóa. Từ năm học 2020-2021, cho phép các trung tâm ngoại ngữ đưa tiếng Anh vào các trường mầm non với chương trình “Bé làm quen với tiếng Anh”... Theo Trưởng phòng GD&ĐT TP Sầm Sơn Phạm Xuân Trưởng, đây được xem là tiền đề quan trọng nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh tại các cấp học, bậc học trên địa bàn thành phố.
Trong thời kỳ phát triển và hội nhập như hiện nay, ngoại ngữ được xác định có vai trò hết sức quan trọng. Vì lẽ đó, bản thân các nhà trường cũng như các bậc phụ huynh học sinh đều quan tâm đến việc dạy và học bộ môn này. Nhiều năm về trước, học sinh tiểu học chỉ được học 2 tiết Anh văn/tuần. Vài năm trở lại đây, thời lượng Anh văn ở bậc học này đã được tăng 4 tiết/tuần. Ở nhiều trường học trong tỉnh, việc tăng cường tiếng Anh cho học sinh còn được thực hiện thông qua sử dụng ISMART - chương trình học tiếng Anh thông qua toán và khoa học để khuyến khích học sinh mở rộng kiến thức khoa học, tự nhiên - xã hội. Ở cấp học mầm non nhiều trường cũng đã cho trẻ làm quen với tiếng Anh thông qua việc phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ. Qua thống kê, hiện toàn tỉnh có 206 trung tâm ngoại ngữ - tin học được cấp phép hoạt động. Theo đánh giá của ngành giáo dục, cùng với sự chủ động, nỗ lực từ mỗi đơn vị trường, sự ra đời của các trung tâm ngoại ngữ đã tác động tích cực đến việc đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường, góp phần vào mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tao-chuyen-bien-trong-day-va-hoc-tieng-anh-212417.htm