Tạo 'chuyển dịch xanh' cho doanh nghiệp Việt thoát mối nguy tụt hậu
Trước mối nguy tụt hậu và khó xuất khẩu hàng hóa, trong lúc này nhiều doanh nghiệp Việt đang sốt ruột là không biết bắt đầu như thế nào cho quá trình 'xanh hóa' sản xuất, theo khuôn khổ pháp lý nào, cơ chế hỗ trợ tài chính…Trong khi đó, với nhà tài trợ quốc tế như IFC thì đây là thời điểm thích hợp để khu vực tư nhân của Việt Nam tiến hành 'chuyển dịch xanh' nhằm nâng cao khả năng chống chịu và hiệu quả hoạt động.
Ngày 6/9, IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các thị trường mới nổi, cho biết tổng cam kết đầu tư mới của họ tại Việt Nam đạt gần 1,9 tỷ USD trong năm tài chính 2023, trong đó, cam kết đầu tư dài hạn là 520 triệu USD.
Thời điểm thích hợp để 'xanh hóa'
Các dự án đầu tư và tư vấn của tổ chức tài chính này sẽ tập trung giải quyết những thách thức cốt lõi đối với Việt Nam - từ biến đổi khí hậu và an ninh lương thực đến các rào cản thương mại, cũng như giúp các doanh nghiệp (DN) Việt phục hồi sau đại dịch Covid-19 và vượt qua những khó khăn đến từ môi trường trong nước cũng như quốc tế.
Phần lớn số vốn đầu tư dài hạn của IFC được dành để tăng cường cho vay hàng nghìn DN vừa và nhỏ (đặc biệt là các DN do phụ nữ làm chủ), góp phần tạo việc làm và thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Như chia sẻ của ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, khi các DN Việt dần hồi phục sau đại dịch, đồng thời vượt qua những bất ổn do các cuộc khủng hoảng toàn cầu gây ra, đây là thời điểm thích hợp để khu vực tư nhân tiến hành “chuyển dịch xanh” nhằm nâng cao khả năng chống chịu và hiệu quả hoạt động.
“Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các công ty ở Việt Nam mà còn giúp khai mở tiềm năng của khu vực tư nhân trở thành một động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi của đất nước sang mô hình tăng trưởng kinh tế carbon thấp”, ông Jacobs nói.
Một điểm đáng chú ý là IFC tập trung xây dựng năng lực cho các DN Việt để nắm bắt các cơ hội trong lĩnh vực đầu tư khí hậu. Ngoài việc hỗ trợ các bộ liên quan xây dựng những chính sách khuyến khích các dự án xanh và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, tổ chức này cũng đang tư vấn cho các nhà sản xuất trong các ngành công nghiệp nặng, bao gồm thép, xi măng và nhựa áp dụng các giải pháp khử carbon để sản xuất xanh hơn.
Có thể thấy việc hỗ trợ như vậy là rất cần thiết cho tương lai của các DN Việt theo xu hướng “xanh hóa” chung của quốc tế và góp phần giải tỏa mối băn khoăn chung của nhiều DN về “chuyển dịch xanh” để tránh được mối nguy tụt hậu.
Chẳng hạn như tại một hội thảo về tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon diễn ra tại Tp.HCM vào ngày 6/9, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN Tp.HCM (Huba) lưu ý điều mà nhiều DN quan tâm, sốt ruột trong lúc này là nên bắt đầu như thế nào cho quá trình “xanh hóa” sản xuất, giao dịch với ai, theo khuôn khổ pháp lý nào, ai cấp cho DN các chứng chỉ liên quan…
Theo ông Hòa, nhận thức của các DN về chuyển đổi xanh đã có bước chuyển lớn và họ mong được hướng dẫn cụ thể, sớm có định chế để sớm thực hiện với các tiêu chuẩn được đặt ra. Còn hiện tại cộng đồng DN rất bức xúc, vì hiện giờ “nước tới chân” rồi, nếu như không “xanh hóa” thì DN khó có thể xuất khẩu hàng hóa.
Cần thiết lập các cơ chế hỗ trợ tài chính
Cũng theo vị chủ tịch Huba, đại bộ phận DN Việt Nam là nhỏ và vừa, nguồn lực về tài chính hạn hẹp, tự thân mỗi DN đứng ra phát hành trái phiếu xanh là điều rất khó, nên rất cần các chương trình tín dụng xanh. Cho nên các định chế tài chính, cơ quan chức năng nên có cơ chế, giải pháp để các định chế tài chính có thể đứng ra phát hành trái phiếu xanh cho DN vay lại theo quá trình chuyển đổi của DN.
Hoặc như ở ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết tuy 8 tháng đầu năm nay ngành dệt may Việt đã nỗ lực để đạt kim ngạch xuất khẩu là 26,3 tỷ USD, thế nhưng ngành này đang chịu nhiều áp lực từ các thị trường, nhãn hàng khi đòi hỏi về các tiêu chí môi trường (khí thải, nước thải, môi trường làm việc…) ngày càng khắt khe, nhất là thị trường châu Âu.
“Thực ra, các DN trong ngành cũng đã chủ động thích ứng bằng cách đầu tư mạnh vào công tác xử lý nước thải, khí thải. Một số dòng tiền tài chính cho các DN đầu tư vào năng lượng mặt trời áp mái, chuyển đổi sang hơi điện, đầu tư vào tiết kiệm nguồn nước…Tuy vậy, để có thể hỗ trợ tốt hơn cho DN, chúng tôi có kiến nghị cơ quan chức năng linh hoạt hơn các tiêu chuẩn môi trường cho từng địa phương, không nên vận dụng máy móc…”, ông Giang chia sẻ.
Trong việc “chuyển dịch xanh” cho ngành dệt may, giới chuyên gia khuyến nghị để các DN giảm bớt gánh nặng thì Chính phủ cần thiết lập các cơ chế hỗ trợ tài chính, bao gồm việc cấp tài trợ, cho vay lãi suất thấp và ưu đãi thuế đối với các DN sẵn sàng đầu tư vào những công nghệ bền vững và phương thức thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, để “chuyển dịch xanh” cho các DN Việt nói chung cũng không thể lơ là vấn đề về năng lượng tái tạo và năng lực số hóa. Theo Phó giáo sư Vũ Minh Khương đến từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, thành tựu phát triển năng lượng tái tạo thành công ở Việt Nam phụ thuộc vào sự tương tác năng động và hiệu ứng tương hỗ lẫn nhau của quản trị quốc gia hiệu quả, lựa chọn kinh doanh có tầm nhìn và các cơ chế được thiết kế tốt nhằm thúc đẩy tiến bộ liên tục.
Riêng với năng lực số hóa trong quá trình “chuyển dịch xanh”, Giáo sư Robert McClelland, Trưởng khoa Kinh doanh Đại học RMIT, nhấn mạnh để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam, trong tương lai ngắn hạn đòi hỏi phải xây dựng thêm năng lực và đào tạo số để lực lượng lao động được trang bị phù hợp cho một thế giới đang phát triển nhanh chóng.
“Bên cạnh nhu cầu nâng cao khả năng của lực lượng lao động là nhu cầu cần năng lượng hơn. Chính phủ đã dự báo nhu cầu điện sẽ tăng trung bình từ 8,5% - 9% mỗi năm cho đến 2025. Trên thực tế, năng lực số và năng lượng tái tạo có quan hệ cộng sinh. Khi có được lực lượng lao động tiên tiến hơn sẽ dễ dàng giúp phát triển cơ sở hạ tầng cho việc sản xuất năng lượng bền vững hơn”, Giáo sư Robert McClelland lưu ý.