Tạo cơ chế cạnh tranh để giá vé máy bay về 'bản chất thực'
Theo đại biểu Quốc hội, giá vé máy bay nội địa tăng cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn tác động ngược trở lại sự phát triển của chính ngành hàng không.
Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Tại đây, nhiều vấn đề “nóng” cử tri quan tâm được truyền tải qua tiếng nói của đại biểu Quốc hội như quản lý thị trường vàng, giá vé máy bay, cải cách tiền lương, chính sách hỗ trợ vùng khó khăn...
Đề cập đến giá vé máy bay cao hơn thu nhập bình quân của người dân, bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong những tháng đầu năm 2024, giá vé tăng rất cao, trung bình 13 - 25%. “Rất nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh việc tại sao giá vé máy bay nội địa lại đắt hơn so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam,” bà Phúc đặt vấn đề.
Lấy ví dụ chặng bay đến Côn Đảo, bà Phúc dẫn kiến nghị từ cử tri cho biết kể từ khi hãng hàng không Bamboo Airways dừng bay thì đường bay đến địa phương này rất khó khăn, giá tăng cao nhưng tìm vé cũng rất khó.
Để bảo đảm quyền lợi cho người dân, đại biểu Huỳnh Thị Phúc góp ý một số giải pháp cho vấn đề này. Đầu tiên, theo bà cần tạo cơ chế cạnh tranh minh bạch trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, để đưa giá vé "quay về bản chất thực của nó"; để không còn râm ran trong dư luận câu chuyện có hay không việc độc quyền, ghim vé máy bay dẫn tới khan hiếm, bán giá cao khi người dân có nhu cầu.
Thứ hai, bà cho rằng cần có chính sách thu hút đầu tư hạ tầng hàng không, thay vì chỉ có Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), để kiểm soát, hạn chế tối đa sự chồng chéo thuế, phí dẫn tới giá vé máy bay tăng cao.
Nữ đại biểu còn đề nghị cân nhắc, xem xét lại quy định về giá sàn, giá trần đối với giá vé máy bay nội địa. “Giá vé máy bay nội địa tăng cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội (cụ thể là ngành du lịch) mà còn tác động ngược trở lại sự phát triển của chính ngành hàng không,” nữ đại biểu nêu quan điểm.
Kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh vàng
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) cho biết, thời gian gần đây việc các cơ quan chức năng siết chặt việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng được cử tri đặc biệt quan tâm. Về cơ bản cử tri rất đồng tình, tuy nhiên vẫn có những vướng mắc cụ thể từ phía các doanh nghiệp dẫn đến việc không ít doanh nghiệp tạm thời đóng cửa.
Ngày 25/4 vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp Tây Ninh đã tổ chức đối thoại giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng và các cơ quan quản lý liên quan. Từ đây Hiệp hội đã tổng hợp và gửi một số kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.
Theo đó, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay là chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa với các cơ quan chức năng. Nguyên nhân của khó khăn này là phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh vàng là doanh nghiệp tư nhân, chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp theo yêu cầu của quản lý Nhà nước. Do đó tài sản, hàng hóa, vốn kinh doanh còn chưa rõ ràng. Thực tế, có hộ có vàng từ nhiều đời để lại được đưa vào kinh doanh mà không ghi trong vốn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cũng không kê khai.
Bên cạnh đó, việc mua vàng lẻ của người dân mang đến bán, do thói quen mà doanh nghiệp không kê khai thông tin. Người dân cũng ngại không cung cấp thông tin cá nhân. Hơn nữa vàng mua từ nhiều người dân, nấu chung không thể xác minh nguồn gốc… "Những điều này gây khó khăn cho công tác kiểm tra và quản lý của Nhà nước," ông Hậu nêu.
Về mặt quản lý Nhà nước, theo ông Hậu, mặc dù đã có những quy định rõ ràng từ lâu nhưng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng thời gian vừa qua còn chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, khiến cho doanh nghiệp chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các quy định.
"Từ thực trạng trên, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đề xuất cho phép doanh nghiệp tự kê khai lại hàng hóa tồn kho theo một thời điểm mà Nhà nước quy định, bảng kê khai này là căn cứ để xác định nguồn gốc vàng hiện có. Sau thời điểm đó, mọi hàng hóa xuất nhập doanh nghiệp phải thực hiện đúng, đủ các quy định về quản lý liên quan," đại biểu nêu đề xuất của các doanh nghiệp.