Tạo cơ chế thu hút, phát triển nguồn đấu giá viên

Hiện nay, nhiều quy định của Luật Đấu giá tài sản còn hạn chế, gây khó khăn cho việc thu hút, phát triển nguồn đấu giá viên, do đó Luật sửa đổi sẽ có nhiều quy định mới khắc phục tình trạng này.

Cả nước có hơn 1200 đấu giá viên

Kể từ thời điểm Luật Đấu giá tài sản được ban hành đến nay, đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, cơ bản đảm đương được nhiệm vụ được giao. Số lượng đấu giá viên của cả nước đã phát triển lên đến hơn 1.200 người, gần 600 doanh nghiệp đấu giá tài sản; 58 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số lượng các cuộc đấu giá tài sản công ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách Nhà nước đạt giá trị lớn, qua đó, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công; góp phần tạo nguồn lực cho hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo số liệu thống kê thì từ tháng 07/2017 đến ngày 31/12/2021, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 169.000 cuộc đấu giá, số tiền thu lao dịch vụ đấu giá tài sản thu được đạt hơn 2.096 tỷ, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.500 tỷ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động bán đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn bất cập. Một bộ phận đấu giá viên hành nghề trong giai đoạn trước khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực còn chưa qua đào tạo nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề còn hạn chế; vẫn còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến nhiều vụ việc bị hủy kết quả đấu giá do vi phạm về trình tự, thủ tục, thậm chí bị điều tra, truy tố, xét xử gây ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp và niềm tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Lý do theo Bộ Tư pháp, một số quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành còn hạn chế, gây khó khăn cho việc thu hút, phát triển nguồn đấu giá viên (quy định ‘cứng” người muốn trở thành đấu giá viên phải có bằng tốt nghiệp “chuyên ngành” đào tạo trong khi việc cấp bằng cử nhân của các trường đại học hiện nay không thống nhất, khó xác định được “chuyên ngành” và “ngành”, quy định điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo từ 03 năm trở lên mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá gây khó khăn lớn cho việc tạo nguồn đấu giá viên); chưa có quy định về bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đối với đấu giá viên trong khi nghề nghiệp này liên quan trực tiếp đến xử lý tài sản, đòi hỏi đấu giá viên cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật chuyên ngành, kỹ năng hành nghề (một số chức danh bổ trợ tư pháp khác đã có quy định về bồi dưỡng bắt buộc hàng năm như luật sư).

Một số quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành chưa đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính; chưa đảm bảo việc hành nghề của đấu giá viên cũng như quản lý nhà nước đối với các cá nhân sau khi được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá (người được cấp Chứng chỉ hành nghề nhưng không hành nghề).

Đề xuất giảm thời gian đào tạo nghề đấu giá đối với một số đối tượng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vẫn giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên để phát triển hợp lý số lượng và nâng cao một bước chất lượng đội ngũ đấu giá viên; hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức đấu giả tài sản đảm bảo đầy đủ, cụ thể hơn quyền, trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản trong hoạt động hành nghề, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp của các chức đấu giá tài sản, hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản.

Việc sửa đổi các quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, phát triển nguồn đấu giá viên song song với nâng cao hơn nữa chất lượng hành nghề; tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề, Thẻ đấu giá viên. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đấu giá tài sản trong việc cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản và các dịch vụ có liên quan, góp phần thu hút, gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ đấu giá tài sản chuyên nghiệp từ phía cá nhân, tổ chức có tài sản; khắc phục một số thiếu sót trong việc đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Cụ thể, sẽ quy định việc giảm thời gian đào tạo nghề đấu giá đối với một số đối tượng cụ thể như luật sư, công chứng viên, thừa phát lại đã hành nghề một thời gian nhất định, người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên thay thế việc miễn đào tạo nghề đấu giá như quy định hiện hành. Quy định trách nhiệm tham gia bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đối với đội ngũ đấu giá viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ đấu giá viên trong hoạt động hành nghề.

Bình An

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tao-co-che-thu-hut-phat-trien-nguon-dau-gia-vien-post466425.html