Tạo cơ hội cho người chưa thành niên khắc phục vi phạm, không để lại án tích

Quy định về xử lý chuyển hướng trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm chú trọng việc hòa giải và khắc phục thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên gây ra, qua đó, khuyến khích người chưa thành niên vi phạm pháp luật tự ý thức được và tự chịu trách nhiệm về những thiệt hại đã gây ra.

Tiếp tục hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng nay, 27.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Không tuân thủ biện pháp xử lý chuyển hướng thì xử lý thế nào?

Quan tâm đến quy định xử lý chuyển hướng, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu rõ, việc quy định xử lý chuyển hướng thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người chưa thành niên. Bởi ở độ tuổi dưới 18 thì cả về thể chất, nhận thức, kiến thức, tâm lý của người chưa thành niên đều chưa phát triển toàn diện, dễ bị thay đổi, tác động do môi trường giáo dục gia đình, tác động ngoài xã hội từ bạn bè, mạng xã hội… nên chưa nhận thức rõ về hành vi phạm tội của bản thân.

"Xử lý chuyển hướng tạo cơ hội cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhìn nhận lại và chịu trách nhiệm đối với những hành vi vi phạm mà mình đã thực hiện, mà không để lại án tích cho người chưa thành niên. Vì thế giúp ngăn ngừa sự miệt thị của xã hội đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng như các hậu quả bất lợi của việc bị đưa ra xử lý theo hệ thống tư pháp hình sự", đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh.

ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Việc xử lý chuyển hướng không nhằm đến việc áp dụng các chế tài có tính chất trừng phạt người vi phạm pháp luật mà chú trọng việc hòa giải và khắc phục thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên gây ra, qua đó, khuyến khích người chưa thành niên vi phạm pháp luật tự ý thức được và tự chịu trách nhiệm về những thiệt hại đã gây ra.

Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn cho thấy, việc áp dụng các biện pháp này đối với người chưa thành niên là rất ít và hãn hữu. Đại biểu Ma Thị Thúy dẫn chứng, từ năm 2019 đến tháng 6.2023, chưa có trường hợp nào được áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng; chỉ có 16 trường hợp được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

"Thực tế trên xuất phát từ việc hoài nghi của các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng chế tài này thấy cơ chế thi hành không hiệu quả, nên thường áp dụng biện pháp cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo".

Do đó, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị, dự thảo Luật cần quy định hậu quả pháp lý của việc không tuân thủ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Theo đó, các hậu quả có thể xảy ra nếu không tuân thủ như: bị áp dụng biện pháp thi hành án tạm thời; tăng thời hạn xử lý chuyển hướng; tiếp tục bị truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng tư pháp.

Trường hợp tuân thủ biện pháp xử lý chuyển hướng thì được xem xét giảm thời hạn xử lý chuyển hướng; cấp chứng chỉ chấp hành xong biện pháp xử lý chuyển hướng và miễn trách nhiệm hình sự, không bị tiếp tục bị truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng tư pháp.

Tạo điều kiện cho gia đình thăm, động viên người chưa thành niên phạm tội

Đối với việc bảo đảm thi hành án phạt tù, khoản 3, Điều 19 dự thảo luật quy định: người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), việc giam giữ riêng người chưa thành niên chấp hành án phạt tù là cần thiết, nhất quán với quy định pháp luật có liên quan trong hệ thống pháp luật hiện nay.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần xem xét, tính toán đến nguồn lực thực hiện, tránh trường hợp trong một số lĩnh vực dù đã quy định về điều kiện cơ sở vật chất, nhưng trên thực tế hệ thống cơ sở vật chất không được bảo đảm, gây khó khăn cho các cơ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định ưu tiên cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ gần gia đình, gần nơi cư trú. Quy định này thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện cho gia đình thăm nom, gặp gỡ, động viên người chưa thành niên phạm tội, góp phần cải thiện tâm lý của người chưa thành niên theo hướng tích cực.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, dự thảo Luật đã quy định về xử lý chuyển hướng, theo đó nhiều trẻ em phạm tội sẽ chuyển hướng không phải ở trong trại giam mà ở trường giáo dưỡng hoặc ở cộng đồng. Cho nên, số lượng ở trong trại giam không còn nhiều; nếu xây dựng một trại giam riêng cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù là không cần thiết và tốn kém.

Trong điều kiện hiện nay, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, có thể cân nhắc xem xét, xây dựng một khu riêng cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù trong khuôn viên của các trại giam sẽ hợp lý hơn.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tao-co-hoi-cho-nguoi-chua-thanh-nien-khac-phuc-vi-pham-khong-de-lai-an-tich-i386009/