Tạo cơ hội giúp nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại

Nhằm bắt kịp xu thế hội nhập, tạo môi trường nông nghiệp số, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động; giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập.

Việc đưa công nghệ số vào phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa bằng máy bay không người lái tại huyện Vĩnh Tường nhằm nâng cao hiệu quả lao động và giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác

Việc đưa công nghệ số vào phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa bằng máy bay không người lái tại huyện Vĩnh Tường nhằm nâng cao hiệu quả lao động và giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác

Với gần 2 ha trồng thanh long ruột đỏ, anh Nguyễn Ngọc Linh, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch lắp đặt hệ thống đèn điện, áp dụng biện pháp chiếu sáng để kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ. Bằng phương pháp canh tác này, vườn thanh long của gia đình cho thu hoạch nhiều vụ trong một năm.

Theo anh Linh, do khí hậu miền Bắc có mùa Đông nên cây thanh long chậm ra hoa, kết quả. Nhờ ứng dụng công nghệ chiếu sáng bổ sung, gia đình chủ động điều chỉnh được thời điểm ra hoa, phát triển quả của cây.

Cùng với đó, được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của huyện, gia đình đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động công nghệ Israel cho toàn bộ diện tích, giúp tăng lứa quả/năm, rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch đến các tháng cuối năm và thu hoạch sớm vào vụ đầu năm sau, tăng thêm lợi nhuận khoảng 30% mỗi năm; giá bán thanh long trái vụ cũng tăng thêm từ 6 - 8 nghìn đồng/kg, thậm chí trên 10 nghìn đồng/kg so với chính vụ.

Nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả lao động và giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, vụ Mùa 2021, Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường đã tổ chức phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa bằng máy bay không người lái.

Ưu điểm của công nghệ số này là tiết kiệm 90% lượng nước, 10-20% lượng thuốc/lần phun, tiết kiệm nhân công lao động, thời gian phun chỉ từ 10-15 phút/ha. Hiệu lực phòng trừ đạt hơn 90%, dập dịch nhanh, giảm nguy cơ ngộ độc do người dân do không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc. Đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết bài toán thiếu lao động hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Xác định chuyển đổi số là bước đột phá, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng các vùng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản hàng hóa; phát triển sản phẩm lợi thế.

Giai đoạn 2016-2021, Sở NN&PTNT đã xây dựng hàng trăm mô hình trình diễn cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; chuyển giao hơn 3.200 máy sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất bằng máy chiếm khoảng 95% diện tích; thu hoạch lúa bằng máy đạt hơn 70% diện tích, giúp giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

Cùng với đó đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật thủy canh, canh tác trên giá thể không đất; sử dụng cây trồng được sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô; áp dụng IPM, ICM, VietGAP trên cây trồng; ứng dụng biện pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel; ứng dụng công nghệ viễn thám, CNTT và hệ thống thông tin địa lý trong điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Hết năm 2021, toàn tỉnh có hơn 60 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao; 15 vùng trồng được hỗ trợ xây dựng, cấp mã số xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Úc, New Zealand.

Khoảng 32.000 hộ nông dân được tạo tài khoản bán hàng, hơn 200 tài khoản thanh toán trực tuyến được tạo lập và trên 1.400 sản phẩm nông nghiệp của 82 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn tạo cơ hội cho nông dân thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao vị thế cạnh tranh của các sản phẩm nông sản địa phương trên thị trường.

Nhằm từng bước cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Kế hoạch của UBND tỉnh về cải thiện và nâng cao chỉ số chuyển đổi tỉnh giai đoạn 2022-2025, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị trực thuộc thực hiện 18 nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Trong đó, tập trung hỗ trợ đẩy mạnh thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh trong hoạt động SXKD sản phẩm nông nghiệp của các hộ dân và HTX nông nghiệp.

Tổ chức tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên mạng cho nông dân; hướng dẫn ứng dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật trên điện thoại thông minh.

Xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; ứng dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ truy suất nguồn gốc nông sản, sản phẩm OCOP; xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh nhằm khơi dậy tính chủ động của các thành phần tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số.

Bài, ảnh: Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75984/tao-co-hoi-giup-nong-dan-san-xuat-nong-nghiep-theo-huong-hien-dai.html