Thiết bị nhỏ gọn, giá thành rẻ, dễ sử dụng, hoạt động chính xác, được lắp đặt trên xe ô tô và kết nối với điện thoại thông minh qua phần mềm ứng dụng. Khi lên ô tô và muốn khởi động xe, người lái phải thổi để đo nồng độ cồn, nhận diện khuôn mặt.
Thầy Nguyễn Hoài Nam (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn 2 học sinh nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm "Thiết bị kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông". Nếu đúng người và không có nồng độ cồn, lái xe mới khởi động được xe để tham gia giao thông. Với nhiều ưu điểm và đặc biệt là có tính ứng dụng cao, dự án "Thiết bị kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông” của 2 học sinh Đặng Đức Khải, Nguyễn Hoàng Nguyên (lớp 12 A1, trường THPT Lương Sơn) được đánh giá xuất sắc, xứng đáng giành giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học tỉnh Hòa Bình năm học 2021 - 2022. Sau đó, dự án được Sở GD&ĐT chọn là 1 trong 2 dự án tiêu biểu của tỉnh tham dự cuộc thi cấp quốc gia và xuất sắc mang về giải ba - dấu ấn thành tích đáng tự hào của học sinh Hòa Bình khi tham gia các cuộc thi về KHKT cấp quốc gia. Em Nguyễn Hoàng Nguyên chia sẻ: Em và Khải đều quyết tâm tìm hiểu để cho ra đời sản phẩm này, bởi tính khả thi và tính ứng dụng cao. Chúng em suy nghĩ, sau khi uống rượu, bia, chủ phương tiện có tiếp tục điều khiển phương tiện nữa hay không chủ yếu phụ thuộc vào ý thức cá nhân mà không có một thiết bị vật lý nào ngăn cản. Như vậy, rất cần một thiết bị yêu cầu đo nồng độ cồn trước khi điều khiển phương tiện để ngăn cản họ lái xe nếu trong hơi thở có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Xuất phát từ ý tưởng đó, chúng em nghiên cứu tài liệu, tham khảo ý kiến các thầy cô, quản lý các công ty xe khách, xe tải, lái xe, cảnh sát giao thông… Sau đó, lên ý tưởng thiết kế, thống nhất phương án tối ưu và đến tháng 11/2021 bắt tay vào việc mua linh kiện, thiết bị, viết chương trình, lắp thiết bị, thử nghiệm sản phẩm và hiệu chỉnh các thông số. Thầy Nguyễn Hoài Nam (trường THPT Lương Sơn) hướng dẫn 2 học sinh trong gần 1 năm tập trung nghiên cứu, phát triển dự án hiểu rõ tâm huyết, trí tuệ cũng như ý tưởng sáng tạo của các em. Thầy chia sẻ: Cả 2 em đều là học sinh giỏi, có nền tảng kiến thức khoa học tự nhiên, thông minh, sáng tạo, chăm chỉ, phù hợp để theo đuổi dự án và tham dự cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học. Trong quá trình thực hiện dự án, cả thầy và trò đều phải đối mặt với những trở ngại. Trong thời gian khá dài, dịch Covid-19 bùng phát tại Lương Sơn, huyện phải áp dụng giãn cách xã hội, ảnh hưởng lớn đến sự tương tác của thầy và trò. Đối với việc nghiên cứu khoa học, hình thức online có những hạn chế nhưng vượt qua tất cả, 2 học sinh ưu tú của trường đã hoàn thành dự án. Trường quyết tâm tham gia các cuộc thi KHKT trong nhiều năm và năm nay đạt thành tích cao nhất. Dự án "Thiết bị kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông” là 1 trong 8 dự án đoạt giải nhất cấp tỉnh Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học năm học 2021 - 2022; 1 trong 2 dự án được chọn tham dự cấp quốc gia và xuất sắc đoạt giải ba. Đây là thành tích mang tính lịch sử của thầy và trò trường THPT Lương Sơn - lần đầu tiên trường có 1 dự án KHKT đoạt giải nhất cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia. Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ cũng góp phần tạo dấu ấn của học sinh Hòa Bình trong cuộc thi KHKT uy tín dành cho học sinh trung học toàn quốc với 1 dự án đoạt giải tư. Trước khi được lựa chọn dự thi cấp quốc gia, dự án "Máy theo dõi chỉ số sinh tồn online MMO” của 2 học sinh Phạm Đình Tuấn Phong (lớp 10 chuyên Lý), Nguyễn Phan Quốc An (lớp 11 chuyên Hóa) đoạt giải nhất cấp tỉnh. Như vậy, sau 3 năm tham dự cuộc thi cấp quốc gia, đến mùa giải này, tỉnh ta đã có 2 dự án xuất sắc đoạt giải. Kết quả này không chỉ tạo dấu ấn trong cuộc thi, mà còn tạo thêm động lực để ngành GD&ĐT tiếp tục quyết tâm nâng cao chất lượng cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học trong các năm học tiếp theo. Năm học 2021 - 2022 là năm thứ 10 Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học toàn quốc. Năm nay, cuộc thi được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp nhưng vẫn tạo được sức hút đặc biệt. Cụ thể, có 71 đơn vị dự thi, tổng số 144 dự án, 273 học sinh. Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ. Đồng thời, góp phần đổi mới hình thức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Những sản phẩm nghiên cứu khoa học tham gia cuộc thi khẳng định hướng đi đúng của chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học, khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong GD&ĐT. Thu Trang