Tạo điểm nhấn du lịch nơi hội tụ bảy dòng sông
Ngày 28 và 29-6 vừa qua, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức sự kiện 'Ngày hội du lịch và xúc tiến đầu tư năm 2024', gồm chuỗi sự kiện giới thiệu về du lịch và kêu gọi đầu tư vào địa phương. Đây là một trong những nỗ lực để đánh thức du lịch nơi có bảy dòng sông giao nhau.
Nét văn hóa của sông nước Cửu Long
Nổi bật trong sự kiện nói trên là địa phương đã tổ chức Famtrip (một hình thức du lịch để tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) du lịch miệt vườn - nét đẹp văn hóa nơi hội tụ bảy dòng sông. Khách được tham quan và nghe kể những câu chuyện, trải nghiệm đổ bánh khọt và nướng cá bằng rơm, sau đó dùng bữa trưa với các món ngon tại TP Ngã Bảy.
Sự kiện còn có chương trình nghệ thuật “Tình anh bán chiếu”; hội thảo sức bật du lịch và xúc tiến đầu tư “Ngã Bảy - Cơ hội cho bạn”. Nói như ông Lê Hoàng Xuyên, Chủ tịch TP Ngã Bảy: “Với tinh thần cầu thị và sẵn sàng học hỏi, lắng nghe, lãnh đạo TP Ngã Bảy mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi kinh nghiệm, giải pháp từ các diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp, đại biểu về sản phẩm du lịch, cách làm du lịch hiệu quả, thu hút, triển khai các dự án cụm công nghiệp, đô thị, giáo dục, y tế…, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP Ngã Bảy”.
TP Ngã Bảy ít nhiều đã “ghi điểm” khi tạo được ấn tượng với gần 500 đại biểu và du khách đại diện các viện, trường, Hiệp hội Du lịch TPHCM, ĐBSCL và TP Hội An đến tham gia chuỗi sự kiện. Đây cũng là đơn vị thành phố trực thuộc tỉnh ở ĐBSCL tiên phong tổ chức sự kiện du lịch và xúc tiến đầu tư.
Theo ông Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch xã hội, TP Ngã Bảy là nơi giao nhau của 7 con sông: Cái Côn, Búng Tàu, Mang Cá, Sóc Trăng, Lái Hiếu, Xẻo Môn, Xẻo Dong, đồng thời là đầu mối giao thông thủy quan trọng của vùng ĐBSCL, rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái gắn với hoạt động sông nước. TP Ngã Bảy nằm giữa các trục giao thông quan trọng và liền kề với TP Cần Thơ. Từ bến Ninh Kiều, theo dòng sông Hậu, đến ngã ba sông Cái Côn, có thể đi đến chợ nổi Ngã Bảy và tiếp tục kết nối với các điểm du lịch của Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Đặc biệt, chợ nổi Ngã Bảy được nhiều du khách biết đến qua bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của cố soạn giả Viễn Châu, là một trong những chợ nổi nhộn nhịp và nổi tiếng nhất vùng ĐBSCL. Không chỉ là nơi buôn bán giao thương, mà chợ nổi còn là nét văn hóa bản địa không chỉ riêng của Hậu Giang mà là hồn cốt của cả vùng sông nước Cửu Long.
Phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa sông nước
Có lẽ hiểu được đặc thù và lợi thế của “bảy nhánh sông trên bản đồ du lịch” nên tỉnh Hậu Giang đã cố gắng xin điều chỉnh tên gọi từ thị xã Tân Hiệp (được đặt vào năm 2005, sau khi chia tách từ huyện Phụng Hiệp), và được chấp nhận đổi lại thành thị xã Ngã Bảy vào năm 2006 - nay là TP Ngã Bảy.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, TP Ngã Bảy là đô thị sông nước, tạo lập bao giá trị mới trong suốt thế kỷ XX, đặc biệt là phát triển nghề thương hồ, đỉnh cao là chợ nổi. Nói vùng Ngã Bảy là một trong những cái nôi của văn minh kinh xáng, văn minh ghe, tàu và văn minh miệt vườn phía bờ Tây sông Hậu cũng không quá. Chợ nổi Ngã Bảy, một trong bảy chợ nổi lớn tại ĐBSCL, bên cạnh chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long), chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền (TP Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Cà Mau (Cà Mau), từng là điểm du lịch rất nổi tiếng, thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Nhiều chuyên gia về ngành du lịch đã có mặt tại TP Ngã Bảy để gợi ý những ý tưởng để phát triển du lịch. Theo đó, TP Ngã Bảy nên xúc tiến phát triển mạnh “bảy ngã sông”, tâm điểm kết nối trục tứ giác chiến lược cùng với các thành phố: Cần Thơ - Vị Thanh - Sóc Trăng trong tổng thể vùng ĐBSCL. Nên khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt, mở ra các tuyến du lịch đường sông với cảnh quan cụm kinh Ngã Bảy, gắn với vườn cây ăn trái, kết hợp làng nghề, ẩm thực. Đặc biệt, cần nghiên cứu tái hiện, phục dựng chợ nổi Ngã Bảy du lịch để giữ danh tiếng từng là chợ nổi lớn nhất thế giới.
Ông Trần Tường Huy cho rằng, TP Ngã Bảy nên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa sông nước, gắn với chợ nổi Ngã Bảy. Đây sẽ là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của TP Ngã Bảy. Để xây dựng sản phẩm này, cần có các hoạt động du lịch gắn với chợ nổi như: tham quan chợ nổi, khám phá đời sống văn hóa sông nước; tham quan các di tích văn hóa lịch sử; các vườn trái cây; trải nghiệm các làng nghề đan lát. Ngoài ra, cần tổ chức các hoạt động văn hóa giải trí đặc trưng sông nước, hoạt động lễ hội nhằm tạo sản phẩm du lịch sông nước có giá trị du lịch đặc thù của TP Ngã Bảy gắn với đầu tư phố ẩm thực, dịch vụ ăn uống ven sông…
Ông Lê Hoàng Xuyên, Chủ tịch UBND TP Ngã Bảy, cho biết, TP Ngã Bảy hướng đến phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa sông nước đặc thù, nhất là giá trị bài ca vọng cổ “Tình anh bán chiếu” nổi tiếng cả nước. Vận động, hỗ trợ các chủ cơ sở hoàn thiện, chỉnh trang các sản phẩm du lịch hiện có như: du lịch homestay, du lịch văn hóa (đờn ca tài tử, ẩm thực); du lịch sinh thái nhà vườn… để tạo sức bật cho du lịch địa phương.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tao-diem-nhan-du-lich-noi-hoi-tu-bay-dong-song-post747674.html