Tạo điều kiện cho con lao động ngoại tỉnh học tại TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa có văn bản trả lời cử tri ở TP.HCM về một số kiến nghị liên quan đến giáo dục, đào tạo.

Theo đó, các cử tri kiến nghị TP.HCM cần quan tâm, tạo điều kiện cho con em của người lao động các tỉnh, thành khác đến làm việc, sinh sống tại TP.HCM được đến trường, lớp trong năm học 2023 - 2024.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM các chính sách để có thể xây dựng thêm trường học, phòng học nhằm tạo điều kiện cho con em của người lao động các tỉnh, thành khác đến làm việc, sinh sống tại TP.HCM được đến trường, lớp.

TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi cho con lao động ngoại tỉnh đến trường, lớp trong năm học 2023-2024.

TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi cho con lao động ngoại tỉnh đến trường, lớp trong năm học 2023-2024.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT TP.HCM cũng đã phân cấp thực hiện việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh cho hiệu trưởng các trường THPT để giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính cho học sinh khi chuyển từ các tỉnh, thành khác đến TP.HCM nhằm tạo thuận lợi cho học sinh. Ngoài ra, còn có hệ thống các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX), các trường ngoài công lập và các chính sách hỗ trợ của Hội khuyến học quan tâm hỗ trợ học sinh khó khăn, nhất là các học sinh khó khăn khi cùng gia đình chuyển đến làm việc và sinh sống tại Thành phố.

Đồng thời, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn chuyển trường và tiếp nhận học sinh. Cụ thể, công văn 2904/SGDĐT-GDTrH về việc thực hiện hồ sơ, thủ tục chuyển trường, xin học lại, bảo lưu kết quả học tập học sinh trung học từ năm học 2022 - 2023. Ngoài ra, công văn này còn quy định về thủ tục chuyển trường từ tỉnh, thành phố đến TP.HCM, thủ tục chuyển trường từ TP.HCM đi các tỉnh, thành phố khác, thủ tục tiếp nhận học sinh Việt Nam về nước, thủ tục tiếp nhận học sinh nước ngoài.

Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đã thực hiện phân cấp và tổ chức tập huấn, hướng dẫn, xây dựng phần mềm (https://chuyentruong.hcm.edu.vn/) để thực hiện thủ tục chuyển trường tại tất cả các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở.

Đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Hiếu cho biết, việc chuyển trường được thực hiện sau khi học sinh hoàn thành chương trình và được lên lớp thẳng. Khi chuyển trường, nếu học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, nhà trường cần hướng dẫn việc thực hiện chuyển đổi theo quy định.

Đồng thời, nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới đảm bảo học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp tiếp theo (theo Công văn số 68/BGDĐTGDTrH của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông).

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT, đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh học sinh khi có nhu cầu bằng việc đăng ký chuyển trường trên cổng thông tin điện tử. Trong đó, Sở cũng đã loại bỏ một số thành phần trong hồ sơ tiếp nhận chuyển trường nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho phụ huynh học sinh thực hiện.

Lo ngại tình trạng bạo lực học đường, thuốc lá điện tử

Trong nội dung kiến nghị của cử tri TP.HCM về lĩnh vực GD&ĐT, một số cử tri cho biết, hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong độ tuổi học đường đang tăng nhanh. Ngoài ra, vấn nạn bạo lực học đường đang được xã hội quan tâm khá nhiều. Cử tri đề nghị, các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết, ngăn chặn tình trạng này bằng nhiều hình thức khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, về vấn đề thuốc lá điện tử, Sở GD&ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp, tuyên truyền. ngành GD&ĐT cũng đã tổ chức tuyên truyền về việc thực hiện thực hiện nghiêm Luật phòng chống tác hại của thuốc lá trong các cơ sở giáo dục.

Các cơ sở giáo dục đều lựa chọn và tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp, thiết thực như treo băng-rôn, khẩu hiệu tại cơ quan; lồng ghép tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, các chương trình sự kiện văn hóa, thể thao,...; tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của đơn vị về tác hại của các loại thuốc lá đối với học sinh, học viên; treo biển báo cấm hút thuốc tại các khu vực cấm...

Về vấn nạn bạo lực học đường, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, đầu mỗi năm học, Sở GD&ĐT đều triển khai các văn bản có liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực học đường. Trong đó, sở yêu cầu các cơ sở giáo dục chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và gia đình về phòng chống bạo lực học đường và phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp đối với hành vi bạo lực học đường...

Bên cạnh đó, hằng năm, Sở GD&ĐT phối hợp cùng Công an TP.HCM và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở giáo dục địa phương tổ chức tập huấn cho giáo viên, học sinh về các thế võ tự vệ, công tác nghiệp vụ cho nhân viên làm công tác bảo vệ tại các cơ sở giáo dục, công tác tư vấn tâm lý lứa tuổi cho các bộ làm công tác tư vấn, báo cáo chuyên đề tại các cơ sở giáo dục.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tao-dieu-kien-cho-con-lao-dong-ngoai-tinh-hoc-tai-tphcm-163841.html