Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng xanh

Theo chuyên gia, Việt Nam cần có thêm các gói tín dụng cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa carbon. Chính phủ cần sớm công bố danh mục phân loại xanh để các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng xanh trong nước và nước ngoài.

Vốn không quan trọng bằng chính sách

Tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn nhất tại COP26. Chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030.

Mục tiêu Net Zero và áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục Chính phủ, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhanh và mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng, hướng tới xanh hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, đại diện VEPR cho biết, việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Quá trình này đòi hỏi đầu tư lớn, có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong ngắn và trung hạn. Việt Nam cần khoảng 134 tỷ USD để đầu tư vào phát triển mạng lưới truyền tải và sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Điều này đòi hỏi phải tăng cường thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư xã hội cả trong và ngoài nước.

Tiếp theo, hạn chế về công nghệ khiến Việt Nam phải hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất năng lượng tái tạo, tạo ra nguy cơ phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Ngoài ra, việc thiếu kỹ năng và rào cản gia nhập công nghệ cũng là những trở ngại đáng kể cho việc áp dụng công nghệ nhanh hơn.

Từ góc nhìn thực tế, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, TP. Hải Phòng cho biết, một khó khăn nữa trong chuyển đổi xanh là chính sách pháp luật chưa đồng bộ. Theo ông Điệp, đây là khó khăn lớn nhất, vấn đề vốn không quan trọng bằng chính sách, nguồn vốn sẽ có khi chúng ta có chính sách tốt.

Sớm công bố danh mục phân loại xanh

Để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chính phủ cũng cần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Phát triển các tiêu chuẩn và dán nhãn chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho một số sản phẩm sử dụng năng lượng được lựa chọn.

Đặc biệt, Chính phủ tập trung thực hiện một số dự án kỹ thuật - công nghệ sử dụng nhiên liệu, nhiệt và điện cụ thể, thích hợp cho từng đối tượng thực tế, chú trọng việc trang bị dây chuyền công nghệ tận dụng nhiệt thừa từ khói thải các lò hơi công nghiệp, tiết kiệm năng lượng trong sử dụng động cơ điện, điều hòa và thông gió, chế biến nông, thủy sản... Bên cạnh đó, cần có cơ sở pháp lý và quy chế rõ ràng làm cơ sở cho điều tra, thăm dò, khảo sát, khai thác sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo theo hướng khuyến khích sử dụng và sản xuất năng lượng từ các nguồn này trong cộng đồng cư dân nông thôn, miền núi.

Cụ thể, cần sửa Luật Điện lực, xây dựng luật về năng lượng tái tạo; giải quyết việc giải phóng năng lượng tái tạo của các nhà đầu tư; cho phép cơ chế mua bán điện trực tiếp, đặc biệt là dự án điện mặt trời. Xây dựng cơ chế tài chính hiệu quả nhằm giúp cho các hộ nông thôn và miền núi, các nhà đầu tư, các hợp tác xã hoặc chính quyền địa phương có thể nhận được những khoản đầu tư ban đầu cho năng lượng tái tạo dưới hình thức tín dụng trợ cấp hoặc các khoản vay ưu đãi thích đáng. Điều này nhằm giúp họ vượt qua những chi phí ban đầu thường là lớn để phát triển ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo và đối phó với những rủi ro trong quá trình ứng dụng này.

Đáng chú ý, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong ngắn hạn, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% năm 2024, cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm công cụ tài chính của chính sách tài khóa thúc đẩy tổng cầu; tăng cường giải ngân đầu tư công bảo đảm đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, cần có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể, cần hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm, dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường, góp phần thực thiện cam kết Net Zero vào năm 2050. Đồng thời, cần có thêm các gói tín dụng cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa cacbon. Chính phủ sớm công bố danh mục phân loại xanh để các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng xanh trong nước và nước ngoài...

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tao-dieu-kien-cho-doanh-nghiep-tiep-can-nguon-tin-dung-xanh-i376482/