Tạo điều kiện cho người cai nghiện sớm hòa nhập cộng đồng
Số đối tượng đăng ký tự nguyện cai nghiện ghi nhận tăng thời gian qua tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Phước cho thấy công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngành chức năng, cộng đồng xã hội đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhận thức đầy đủ về tác hại của ma túy cùng sự đồng hành, hỗ trợ về chuyên môn từ phía cơ sở cai nghiện được kỳ vọng giúp người lầm lỡ vượt qua khó khăn ban đầu, từ bỏ ma túy thành công để sớm hòa nhập cộng đồng.
Bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, Trần Hoàng Thiện Vương sa vào nghiện ma túy. Được sự động viên của gia đình cũng như nhận thức tác hại lâu dài của ma túy, Vương đã viết đơn tự nguyện tham gia cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Phước.
Vương cho biết, bản thân vào cơ sở đã được 6 tháng. Lúc đầu cai nghiện cũng vật vã, khó khăn, được các thầy, cô ở đây giúp đỡ nhiều nên đến nay Vương đã qua giai đoạn cắt cơn. Những ngày ở cơ sở cai nghiện, Vương hiểu hơn về tác hại của ma túy, bản thân cảm thấy mệt mỏi, trong khi gia đình, xã hội lại khổ vì mình.
Trong quá trình học tập, tham gia lao động, sự can thiệp, hỗ trợ cắt cơn bước đầu giúp các học viên quên đi ma túy, sức khỏe từng bước được phục hồi, đặc biệt nhận thức rõ hơn về tác hại của ma túy đối với bản thân. Học viên Trần Ngọc Long cho biết: Theo suy nghĩ của người từng lầm lỡ như tôi, các bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ về tác hại của ma túy, rơi vào con đường nghiện ngập rất khổ. Nếu ai đã lỡ nghiện thì hãy đăng ký cai nghiện, để sớm làm lại cuộc đời.
Còn học viên Nguyễn Văn Sửu cho hay: Trong quá trình học tập, rèn luyện, con đường tự cai với bắt buộc không khác nhau nhiều lắm. Bản thân tôi đã đăng ký tự nguyện cai nghiện để không làm khổ người thân, gia đình…
Theo Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Phước, số học viên tự nguyện cai tại cơ sở chủ yếu là thanh thiếu niên, thời gian sử dụng ma túy chưa lâu. Khó khăn lớn nhất trong quá trình quản lý những học viên này là thời gian đăng ký cai nghiện ngắn hạn, thông thường 6 tháng và không có sự ràng buộc về pháp luật. Phần lớn học viên mong muốn hòa nhập cộng đồng sau khi cắt cơn nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả giai đoạn sau cai.
Ngoài quy định hiện hành của Nhà nước dành cho đối tượng cai nghiện, cơ sở luôn nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên trong công tác quản lý, chăm sóc về đời sống vật chất, tinh thần học viên. Quan tâm nhiều hơn, đưa trẻ vị thành niên vào diện quản lý đặc biệt, đồng thời có phương pháp phù hợp, từ đó giúp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục học viên.
Ông HỒ TRUNG KIÊN, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Phước
Bà Hoàng Thị Minh Huế, Phó trưởng Phòng Tư vấn - Tâm lý - Trị liệu, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Phước chia sẻ: Mặc dù đăng ký tự nguyện cai nghiện nhưng tâm lý các học viên rất dễ bị dao động. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên gần gũi, động viên, đồng thời vận dụng các chuyên đề phù hợp với tâm lý, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các học viên hòa nhập, cai nghiện tốt.
Ma túy luôn là mối hiểm họa đối với sức khỏe người nghiện, đồng thời là một trong những tệ nạn dẫn đến nguy cơ cao gây mất trật tự an toàn xã hội. Tỷ lệ tái nghiện cao cũng như độ tuổi người nghiện ngày càng trẻ hóa thời gian qua luôn là bài toán nan giải đối với cơ sở cai nghiện ma túy trong việc tiếp nhận học viên mới hiện vẫn còn nhiều trong cộng đồng. Vì vậy, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nghiện tự nguyện cai cũng như tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng sau cai là hết sức cần thiết, nhằm góp phần hạn chế tình trạng tái nghiện, tránh lãng phí nguồn lực rất lớn dành cho lĩnh vực này.