Tạo điều kiện cho nông sản được xuất khẩu chính ngạch

Mã số vùng trồng (MSVT) hiện được xem như 'hộ chiếu' cho nông sản vươn xa vì chỉ khi được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng mới đủ điều kiện để xuất khẩu chính ngạch. Do đó, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đẩy mạnh việc xây dựng và cấp MSVT cho nông sản, đặc biệt là các loại trái cây chủ lực.

“Hộ chiếu” cho nông sản vươn xa

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định bắt buộc trái cây tươi từ các nước khác muốn nhập khẩu vào nước họ phải được cấp MSVT nhằm truy xuất được nguồn gốc. Để đáp ứng yêu cầu thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang tích cực hỗ trợ nhà vườn xây dựng MSVT cho các vườn cây ăn trái, bước đầu đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Song, diện tích vườn cây ăn trái đã được cấp MSVT còn hạn chế so với tổng diện tích chung.

Việc xây dựng MSVT cho vườn cây ăn trái không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của các thị trường, góp phần thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong ghi nhật ký sản xuất, theo dõi chặt quá trình sản xuất, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất. Qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản xuất khẩu, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững.

Mã số vùng trồng giúp trái chanh của tỉnh tiếp cận nhiều thị trường lớn trên thế giới

Mã số vùng trồng giúp trái chanh của tỉnh tiếp cận nhiều thị trường lớn trên thế giới

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) - Trần Duy Thuận cho biết: “Khi chưa được cấp MSVT, trái chanh không hạt của HTX khó có thể xuất sang các thị trường khó tính như châu Âu vì họ yêu cầu phải có MSVT. Từ khi được cấp MSVT gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP thì chanh của HTX đã được xuất khẩu vào châu Âu và nhiều nước ở châu Á. Nhờ vậy, thị trường xuất khẩu của HTX mở rộng hơn, uy tín được nâng cao, khách hàng ngày càng nhiều, giúp thành viên của HTX ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập”.

HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành) được thành lập vào năm 2008. Ban đầu, HTX chỉ có 13 thành viên, trồng 13ha thanh long, vốn điều lệ 250 triệu đồng; đến nay, HTX có trên 40 thành viên, trồng trên 50ha và hàng trăm hộ liên kết. Phần lớn diện tích thanh long của HTX đều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ tăng cường liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp để trồng cây ăn trái theo hướng chất lượng, an toàn và có MSVT, trái thanh long của HTX Thanh long Tầm Vu đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó, phần lớn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu - Trương Quang An, hầu hết diện tích thanh long của HTX đã được cấp MSVT. HTX tiếp tục vận động người trồng thanh long tham gia vào HTX và chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để ổn định đầu ra.

“Trước đây, khi các hộ dân “mạnh ai nấy làm” thì chất lượng trái thanh long không đồng đều, bán giá thấp. Tuy nhiên, sau khi liên kết sản xuất, có MSVT, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và cách khắc phục những vấn đề trong sản xuất, thanh long của HTX được doanh nghiệp xuất khẩu thu mua với giá ổn định so với bán cho thương lái” - ông An chia sẻ.

Cần tiếp tục hỗ trợ nông dân

Trái cây muốn xuất khẩu đi nhiều nước, bán với giá cao tại các siêu thị và kênh bán hàng cao cấp đòi hỏi phải đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, do chưa nắm chắc các quy trình xây dựng và hồ sơ, thủ tục để được cấp MSVT nên nông dân còn lúng túng trong thực hiện.

Người trồng thanh long chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và xây dựng mã số vùng trồng để ổn định đầu ra sản phẩm

Người trồng thanh long chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và xây dựng mã số vùng trồng để ổn định đầu ra sản phẩm

Bên cạnh đó, nông dân trồng cây ăn trái tại nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ, chưa có sự liên kết nên việc xây dựng MSVT gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, ngành chức năng cần quan tâm khuyến khích, hỗ trợ người dân tăng cường liên kết trong sản xuất; đẩy mạnh công tác thông tin, tập huấn, giúp người dân tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để sớm xây dựng được MSVT.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 285 MSVT, 147 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp để phục vụ việc xuất khẩu các loại trái cây như chuối, chanh, thanh long,... Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “MSVT được xem là điều kiện bắt buộc để nông sản có thể xuất khẩu chính ngạch. Vì vậy, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về MSVT, mã số cơ sở đóng gói cũng như quy định của các nước nhập khẩu; tập huấn cho cán bộ quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói về các quy định, tiêu chí liên quan đến việc thiết lập, kiểm tra và giám sát, từ đó sẽ tập huấn cho các tổ chức, cá nhân để phục vụ việc cấp và quản lý mã số”./.

B.Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tao-dieu-kien-cho-nong-san-duoc-xuat-khau-chinh-ngach-a158742.html