Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng
Sáng 13/2, Bộ Tư pháp tổ chức họp Ban soạn thảo, tổ biên tập Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng (Luật CC). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chủ trì phiên họp.
![Toàn cảnh phiên họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_207_51468717/dc57348a05c4ec9ab5d5.jpg)
Toàn cảnh phiên họp.
Báo cáo tại phiên họp, đại diện Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật CC là Nghị định rất quan trọng, là cơ sở và điều kiện cần thiết để có thể triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2024, đặc biệt trong bối cảnh nhiều vấn đề mới, lần đầu tiên được quy định trong Luật CC.
Nghị định được xây dựng trên quan điểm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế, phát huy vai trò của hoạt động CC đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch ngày càng tăng cả về số lượng, quy mô, giá trị, góp phần quan trọng trong ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nghị định bổ sung các quy định cần thiết để hoàn thiện cơ sở pháp lý về CC theo hướng đầy đủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch, khách quan, thuận lợi cho việc triển khai, áp dụng; tăng cường trách nhiệm của công chứng viên (CCV), tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC), cơ quan quản lý nhà nước về CC, người yêu cầu CC và các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về CC…
![Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp phát biểu tại phiên họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_207_51468717/92477f9a4ed4a78afec5.jpg)
Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp phát biểu tại phiên họp.
Dự thảo Nghị định gồm 7 Chương và 69 Điều. Nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định gồm, các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính và thủ tục có liên quan trong lĩnh vực CC; Phòng công chứng (PCC), trong đó có quy định về điều kiện trụ sở của PCC, việc chuyển đổi PCC thành Văn phòng công chứng (VPCC); quy định lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi PCC thành VPCC, giải thể PCC tại các địa phương.
Đối với VPCC, Dự thảo Nghị định quy định rõ về các trường hợp tên VPCC được coi là trùng hoặc gây nhầm lẫn và việc giải quyết trong trường hợp này, đồng thời bổ sung quy định chuyển tiếp để xử lý trường hợp VPCC phải đổi tên theo Luật Công chứng năm 2014 muốn lấy lại tên gọi cũ của mình; quy định điều kiện trụ sở của VPCC…
Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV, Dự thảo Nghị định còn quy định một số vấn đề khác có liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV, bao gồm vấn đề đối tượng bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, nguyên tắc bồi thường bảo hiểm, hồ sơ bồi thường bảo hiểm.
Đối với thủ tục chung và thủ tục CC một số giao dịch cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về nội dung và cách lập sổ yêu cầu CC để bảo đảm tính chặt chẽ nhưng không gây khó khăn cho TCHNCC và người yêu cầu CC; Quy định rõ một số trường hợp được coi là có lý do chính đáng khác được thực hiện CC ngoài trụ sở TCHNCC để tránh tình trạng lạm dụng quy định này; Quy định thủ tục công bố di chúc lưu giữ tại TCHNCC…
![Một số đại biểu tham dự phiên họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_207_51468717/49aaa77796397f672628.jpg)
Một số đại biểu tham dự phiên họp.
Về CC điện tử, Dự thảo quy định một số vấn đề về văn bản CC điện tử, bao gồm cách thức tạo lập văn bản CC điện tử, việc ký văn bản CC điện tử, việc đánh số trang, việc sửa lỗi kỹ thuật, việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ...; các giao dịch được áp dụng CC điện tử; điều kiện cung cấp dịch vụ CC điện tử; quy trình CC điện tử trực tiếp và quy trình CC điện tử trực tuyến. Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định rõ 8 bước trong quy trình CC điện tử trực tiếp và CC điện tử trực tuyến, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và cách thức thực hiện của từng chủ thể có liên quan trong từng bước của mỗi quy trình này bảo đảm tiến hành và tạo lập được văn bản CC điện tử đúng quy định.
Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao tinh thần làm việc, hồ sơ xây dựng Dự thảo Nghị định của Ban soạn thảo, Tổ Biên tập. Góp ý một số nội dung Dự thảo Nghị định, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo, Tổ Biên tập nghiên cứu, xem xét, có cần giải thích từ ngữ; xem xét, điều chỉnh một số điều trong Dự thảo Nghị cho phù hợp; đề nghị không nên loại trừ một số giao dịch được CC điện tử và việc xây dựng phần mềm công chứng điện tử; đề nghị xem xét lại một số quy định liên quan tới việc bổ nhiệm CCV, PCC; việc giải thể PCC…
Phát biểu Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi khẳng định đây là Nghị định rất quan trọng, quy định nội dung triển khai thi hành Luật CC cũng như việc vận hành hoạt động công chứng trong đời sống xã hội.
![Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu kết luận phiên họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_207_51468717/48acb971883f6161382e.jpg)
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu kết luận phiên họp.
Thứ trưởng đề nghị Bạn soạn thảo, Tổ Biên tập cần cần đưa vào Nghị định các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Tổng Bí thư, Thủ tướng; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề của CCV, TCHNCC vận hành hiệu quả, phục vụ lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức.
Đối với những vấn đề mới đặt ra: công chứng điện tử, xây dựng dữ liệu, cần tham khảo, phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia về chuyển đổi số, về ứng dụng công nghệ thông tin… để đưa ra các quy định khả thi, phù hợp với thực tế. Rà soát kỹ các điều khoản, nội dung đảm bảo tuân thủ Luật CC và đồng bộ với các quy định pháp luật khác.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị Ban soạn thảo, Tổ Biên tập trong thời gian tới cần hoàn thành Dự thảo Nghị định, đảm bảo trình đúng tiến độ, đồng thời triển khai các công việc khác khi Nghị định được thông qua, đưa luật vào cuộc sống./.