Tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Chiều 16-5, Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 họp phiên đầu tiên.

Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 họp phiên đầu tiên

Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 họp phiên đầu tiên

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng (Trưởng Ban chỉ đạo) cho biết, đến nay các phần mềm (Hệ thống quản lý thi tốt nghiệp THPT năm 2024; phần mềm chấm thi trắc nghiệm, phần mềm hỗ trợ ra đề thi) đã được thẩm định. Ma trận đề thi được rà soát, điều chỉnh để phù hợp với những nội dung tinh giản, điều chỉnh trong dạy học theo quy định của Bộ GD-ĐT. Hiện nay, các đơn vị đăng ký dự thi đang thực hiện rà soát kiểm tra thông tin đăng ký dự thi của thí sinh.

Thời gian tới, những công việc tập trung triển khai liên quan đến ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi, vận chuyển đề thi đến các địa phương bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật. Cùng với đó, tổ chức các đoàn kiểm tra của lãnh đạo Bộ GD-ĐT về công tác chuẩn bị thi; chuẩn bị các điều kiện để họp Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia với các Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh…

Về công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi, Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Ngô Minh Hưng cho biết, Bộ GĐ-ĐT đã ban hành phương án tổ chức thanh tra, kiểm tra; kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra; ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra. Bộ GD-ĐT sẽ thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại 20 sở GD-ĐT; thành lập 63 đoàn, kiểm tra công tác coi thi tại 63 sở GD-ĐT; thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi; 5 đoàn kiểm tra công tác phúc khảo bài thi.

Xét công nhận tốt nghiệp THPT, Sở GD-ĐT thành lập đoàn thanh tra hoặc kiểm tra.

Tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo chia sẻ về công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi, đặc biệt là việc phòng chống thiết bị công nghệ cao; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng, tính chất nhạy cảm, tác động xã hội, quy mô trên toàn quốc của kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Thứ trưởng yêu cầu cần chuẩn bị từ sớm, từ xa; phối hợp nhịp nhàng, thông suốt; cách làm việc khoa học, chặt chẽ; tuyệt đối không lơ là, chủ quan ở bất cứ khâu nào.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý tầm quan trọng của công tác đề thi, trong đó có chất lượng đề và công tác bảo mật; vấn đề lựa chọn con người tham gia các khâu của kỳ thi bảo đảm nhận thức, thái độ, chuyên môn nghiệp vụ; vừa lựa chọn, tập huấn, vừa thanh tra kiểm tra chéo, giám sát lẫn nhau.

Trưởng Ban chỉ đạo lưu ý “4 đúng”, “3 không” đối với kỳ thi. Theo đó, “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí chức trách, nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là: không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.

Bên cạnh đó, cần quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-thi-sinh-du-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024-post740219.html