Tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Chăm theo đạo Bà Ni đón Tết ấm cúng và an toàn

Ngày 8/4, đại diện các tổ chức, đoàn thể tỉnh Bình Thuận đã đến thăm và chúc Tết cổ truyền Ramưwan năm 2022 của đồng bào Chăm theo đạo Bà Ni (Hồi giáo) trên địa bàn tỉnh.

Thăm hỏi và động viên bà con vui Tết nhưng không quên phòng chống dịch, ổn định cuộc sống.

Các đoàn đã đến thăm và chúc Tết Ban điều hành các thôn, khu phố Chăm, các vị sư cả, chức sắc đang thực hiện tháng chay niệm Ramadan tại các chùa, người có uy tín cùng đồng bào người Chăm đang sinh sống tại thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh); xã Hàm Trí (huyện Hàm Thuận Bắc); xã Phú Lạc (huyện Tuy Phong) và xã Phan Hòa, xã Phan Thanh (huyện Bắc Bình).

Tại những nơi đến thăm, các đoàn chúc đồng bào Chăm đón Tết cổ truyền vui tươi, phấn khởi, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, động viên bà con vui Tết nhưng chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19; không quên nhiệm vụ phát triển sản xuất, ổn định đời sống về mọi mặt, góp phần cùng với đồng bào các dân tộc trong tỉnh thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022.

Đại diện các vị chức sắc, sư cả cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào đón Tết cổ truyền ấm cúng và an toàn. Trong thời gian tới, phát huy hơn nữa vai trò và ảnh hưởng tích cực của mình, các vị chức sắc, sư cả, người có uy tín tiêu biểu tiếp tục động viên bà con thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy tốt truyền thống đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, chung sức cùng địa phương xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Tết cổ truyền Ramưwan là sản phẩm văn hóa tinh thần từ truyền thống tín ngưỡng cổ của cư dân người Chăm theo đạo Bà Ni ở Bình Thuận với ý nghĩa để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành và cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, mùa màng tươi tốt... Tết Ramưwan gồm nhiều nghi lễ truyền thống nối tiếp nhau như: Lễ tảo mộ, lễ và ha, lễ cúng bái tổ tiên tại nhà và tháng chay niệm Ramadan của các sư, thầy tại chùa…

Tỉnh Bình Thuận hiện có gần 40 nghìn đồng bào Chăm sinh sống, chủ yếu tập trung tại huyện Bắc Bình, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc… Những năm qua, để giúp đồng bào Chăm có đời sống ổn định, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật kết hợp với hướng dẫn thâm canh tăng vụ lúa nước, trồng cây thanh long, đào tạo nghề; các cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện… khu vực đồng bào Chăm sinh sống cũng được Nhà nước đầu tư, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm đã thay đổi đáng kể.

Hà Linh (t.h)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tao-dieu-kien-thuan-loi-de-dong-bao-cham-theo-dao-ba-ni-don-tet-am-cung-va-an-toan-103266.html