Tạo đòn bẩy cho quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Belarus
Cộng hòa Belarus là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công tác nước ngoài từ ngày 5 đến 12/5/2025 của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Belarus Aleksandr Lukashenko, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Belarus vào ngày 11 và 12/5/2025.
Đây là chuyến thăm Belarus đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư, đồng thời là chuyến thăm Belarus của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam sau 11 năm.
Chuyến thăm góp phần tạo đòn bẩy cho quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Belarus phát triển thực chất, phát huy lợi thế của cả hai bên để mang lại những kết quả hợp tác cụ thể hơn nữa.
Quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Belarus
Việt Nam và Belarus dù chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/1/1992 nhưng thực tế quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã tồn tại từ trước đó rất lâu. Kế thừa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp đã có giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Belarus không ngừng được củng cố và phát triển trong những năm qua.
Belarus đã lập Đại sứ quán tại Việt Nam từ năm 1998. Việt Nam lập Đại sứ quán tại Belarus vào tháng 10/2003 và cử Đại sứ thường trú đầu tiên tại Belarus vào tháng 3/2005.

Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư Tô Lâm) tiếp Đại sứ Cộng hòa Belarus tại Việt Nam Uladzimir Baravikou chiều 3/7/2024, tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước đã tạo nên một xung lực mới trong phát triển quan hệ song phương. Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm Belarus của: Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 8/1998); Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 9/2000); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 10/2002); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 1/2003); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 4/2009); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 5/2010); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 5/2013); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11/2014); Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 6/2017); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 12/2019); Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp Chủ tịch Hạ viện Belarus Igor Sergeyenko nhân dịp dự Hội nghị AIPA-45 tại Lào (tháng 10/2024); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Belarus Aleksander Lukashenko nhân dịp tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan (Liên bang Nga) (ngày 24/10/2024); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thăm và tiến hành Tham vấn chính trị (tháng 4/2025)...

Nhân chuyến tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga, chiều 24/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Về phía Belarus, có các chuyến thăm Việt Nam của: Tổng thống Aleksandr Grigorievich Lukashenko (tháng 4/1997; tháng 4/2008; tháng 12/2015); Thủ tướng Sergei Sidorsky (tháng 11/2004); Chủ tịch Hội đồng Cộng hòa Quốc hội G.N.Novitski (tháng 5/2005); Chủ tịch Hạ viện Andreichenko Vladimir Pavlovich (tháng 10/2010); Thủ tướng Mikhail Myasnikovich (tháng 11/2011); Bộ trưởng Ngoại giao Vladimir Makei (tháng 3/2014); Phó Thủ tướng Vladimir Semashko thăm và tham dự cuộc họp Ủy ban liên chính phủ (tháng 10/2016); Phó Thủ tướng V. Semashko thăm, làm việc (tháng 3/2018); Phó Thủ tướng I. Lyashenko thăm chính thức (tháng 9/2019); Thủ tướng Roman Golovchenko thăm chính thức (tháng 12/2023); Phó Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Belarus Ipatau Vadzim tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)…
Trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao Belarus nhiều lần khẳng định coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, mong muốn đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống và mở rộng sang các lĩnh vực tiềm năng.

Khóa họp 16 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Belarus. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Hai nước hiện có các cơ chế hợp tác như: Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật (Khóa họp thứ 16 được tổ chức tại Hà Nội tháng 4/2025); Ủy ban hỗn hợp liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự (Khóa họp 21 được tổ chức tại Minsk tháng 9/2024; Ủy ban Hợp tác về khoa học và công nghệ; Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao (Tham vấn gần đây nhất diễn ra vào tháng 4/2025 tại Belarus).
Bên cạnh đó, hai bên cũng hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia của mỗi nước, cũng như cùng nhau phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Belarus ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018, Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Hội đồng Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế nhiệm kỳ 2023-2025…
Hợp tác kinh tế-thương mại có nhiều triển vọng
Việt Nam và Belarus có nhiều thế mạnh bổ sung cho nhau. Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống của Belarus tại Đông Nam Á. Tổng kim ngạch thương mại song phương qua các năm: năm 2020 đạt 108,5 triệu USD; năm 2021 đạt 191 triệu USD; năm 2022 đạt 113,9 triệu USD; năm 2023 đạt 65,3 triệu USD; năm 2024 đạt 60 triệu USD; 3 tháng đầu năm 2025 đạt 20,9 triệu USD.
Việt Nam xuất sang Belarus thủy hải sản, cao su tự nhiên, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, hạt điều, lạc, hạt tiêu, gia vị, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính...; nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa, phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ôtô, máy kéo, ôtô tải, hóa chất...

Doanh nghiệp hai nước giao lưu, hợp tác. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Hai nước tăng cường hợp tác trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan) ký tháng 5/2015 và có hiệu lực từ tháng 10/2016.
Về đầu tư, hiện Belarus có 3 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn là 32,2 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam có một dự án đầu tư sang Belarus vào lĩnh vực bán buôn bán lẻ của Công ty Thương mại nước ngoài IP Hapaco làm chủ đầu tư theo hình thức 100% vốn đầu tư FDI với quy mô 810.000 USD (vào tháng 5/2009).
Đáng chú ý, trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng Belarus I. Lyashenko (tháng 9/2019), hai bên đã chính thức khai trương Liên doanh lắp ráp xe tải MAZ ASIA với tổng công suất 3.000 sản phẩm/năm và ký kết các văn bản thành lập Liên doanh sản xuất các sản phẩm sữa tại tỉnh Hưng Yên. Hai dự án này là những minh chứng sinh động cho nỗ lực, cố gắng của hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương với định hướng chuyển từ thương mại đơn thuần sang hợp tác, liên doanh chế biến, sản xuất.

Thủ tướng Cộng hòa Belarus Roman Golovchenko tham quan Công ty Cổ phần Maz Asia, tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên chiều 7/12/2023. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, kỹ thuật quân sự cũng được thúc đẩy với việc Ủy ban Hỗn hợp liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước họp thường niên theo cơ chế luân phiên.
Mới đây, Khóa họp 21 của Ủy ban Hỗn hợp liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước đã được tổ chức tại Minsk vào tháng 9/2024.
Hợp tác văn hóa-giáo dục cũng được hai nước thúc đẩy. Hai bên thường xuyên tổ chức Những ngày Văn hóa Belarus tại Việt Nam và Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Belarus. Belarus đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao.
Ngoài ra, hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước cũng đang phát triển tốt đẹp, nhiều dự án được triển khai có kết quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Belarus Roman Golovchenko tham quan trưng bày ảnh về quan hệ, hợp tác giữa Việt Nam- Belarus do Thông tấn xã Việt Nam thực hiện sáng 8/12/2023, tại Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Hợp tác giữa các địa phương hai nước tiếp tục duy trì, như hợp tác giữa: thành phố Hà Nội và thành phố Minsk; Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Minsk; Đà Nẵng và tỉnh Grodno; Quảng Ninh và tỉnh Minsk, Grodno và Brest; Hải Phòng và Vitebsk, Bình Thuận và Vitebsk; Quảng Nam và Mogilov; Lào Cai và Brest.
Cộng đồng Việt Nam ở Belarus hiện có khoảng 500-600 người (bao gồm người Việt định cư, làm ăn sinh sống tại đây, sinh viên, lao động làm việc có hạn theo hợp đồng) nhìn chung được chính quyền tạo điều kiện tương đối thuận lợi trong học tập, cư trú và kinh doanh theo pháp luật sở tại.
Mở sang trang mới cho quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Belarus
Có thể khẳng định tình hữu nghị truyền thống cũng như tiềm năng, lợi thế hợp tác giữa Việt Nam và Belarus là cơ sở, nền tảng đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển sâu rộng, hiệu quả hơn nữa trong tương lai.
Trên cơ sở đó, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Belarus lần này của Tổng Bí thư Tô Lâm có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là chuyến thăm Belarus đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư, đồng thời là chuyến thăm Belarus của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sau 11 năm, kể từ sau chuyến thăm chính thức Belarus của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11/2014.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, chuyến thăm không chỉ củng cố, tăng cường sự tin cậy chính trị giữa Việt Nam và các quốc gia bạn bè truyền thống, mà còn truyền tải thông điệp và quyết tâm của Việt Nam trong việc không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị và truyền thống với các nước thuộc Liên Xô cũ, trong đó có Belarus.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết chuyến thăm của đồng chí Tổng Bí thư cũng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trên kênh Đảng giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng lớn ở Belarus.
Chuyến công tác lần này của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam còn góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, khẳng định tình cảm trước sau như một của nhân dân ta đối với nhân dân Belarus, một trong những nước bạn bè truyền thống, nâng tầm quan hệ và thúc đẩy hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong tình hình mới.
Dự kiến trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ có những cuộc tiếp xúc quan trọng với lãnh đạo cấp cao Belarus để qua đó định hình quan hệ trong thời gian tới, tạo nên những xung lực mới trong hợp tác trên nhiều lĩnh vực nhất là những lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng như kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học cơ bản, năng lượng, công nghệ cao, AI…/.

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và Trung tướng Khrenin Viktor Gennadievich, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus hội đàm sáng 17/12/2024. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)