Tạo động lực cho công nghiệp nông thôn

Công nghiệp nông thôn (CNNT) giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, vì vậy, thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển CNNT, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Sản phẩm chè nhúng túi lọc của Công ty TNHH chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2021.

Các ngành, địa phương đã chủ động rà soát thực trạng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của CNNT như: Nội lực của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT còn thấp nên khó khăn trong đầu tư mới, mở rộng sản xuất và đổi mới công nghệ, tay nghề, trình độ của lao động nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu...

Trên địa bàn tỉnh, hoạt động sản xuất CNNT chủ yếu tập trung vào các ngành nghề chế biến nông sản, thực phẩm, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí. Số lượng sản xuất hiện đạt trên 20.000 cơ sở.

Thông qua các chương trình, dự án, các địa phương thực hiện lồng ghép nguồn kinh phí nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất CNNT ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động tới môi trường. Do đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát huy tiềm năng, lợi thế về nguyên liệu, lao động để xây dựng, phát triển các cơ sở CNNT. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã nắm bắt cơ hội để phát triển ngành, nghề truyền thống, các sản phẩm công nghiệp được đầu tư theo chiều sâu, đa dạng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ dân, cơ sở sản xuất sản phẩm CNNT.

Từ năm 2016 đến nay, từ nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho trên 20 sản phẩm CNNT thuộc nhóm ngành nông lâm sản, thực phẩm, cơ khí, vật liệu xây dựng không nung, trên 100 cơ sở CNNT đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất.

Tại huyện Thanh Sơn có khoảng 1.300 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 5.700 lao động có việc làm thường xuyên và hơn 4.000 lao động thời vụ. Ông Vũ Trọng Đức- Trưởng phòng Kinh tế, hạ tầng huyện cho biết: Để phát triển sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, bên cạnh nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ cho hoạt động khuyến công, huyện đã tăng cường thực hiện lồng ghép với các chương trình khác như: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... qua đó thu hút nguồn vốn của các cá nhân, tổ chức xã hội đầu tư phát triển CNNT.

Để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu cụ thể đề ra là xây dựng từ 8 - 10 mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ từ 60 - 65 cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị và 10 cơ sở CNNT đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ một số mô hình thí điểm sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, sản phẩm OCOP, đào tạo nghề cho lao động theo nhu cầu của các cơ sở CNNT...

Chính sách khuyến công được triển khai hiệu quả sẽ góp phần chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/tao-dong-luc-cho-cong-nghiep-nong-thon/186915.htm