Tạo động lực để phát triển công nghiệp nông thôn
Công nghiệp nông thôn (CNNT) đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy thương mại, dịch vụ nông thôn phát triển, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp (DN), HTX, cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn tăng khá và hoạt động có hiệu quả. Thúc đẩy phong trào phát triển CNNT trên địa bàn trong thời gian qua phải kể đến các hoạt động khuyến công. Nhờ có sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công, nhiều đơn vị mạnh dạn đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Được sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công tỉnh, đầu năm 2019, Công ty TNHH Lộc Ngọc Ngân, thành phố Đông Hà đã đầu tư thêm các máy móc thiết bị may tiên tiến vào sản xuất hàng may mặc. So với vốn tự đầu tư của DN là không lớn nhưng vốn khuyến công hỗ trợ 50 triệu đồng cho Công ty Lộc Ngọc Ngân là một sự động viên để khuyến khích DN không ngừng vươn lên phát triển sản xuất, tạo nhiều việc làm cho lao động vùng ven đô thành phố với mức thu nhập 6- 8 triệu đồng/người/tháng.
Trong giai đoạn từ 2015- 2020, nguồn kinh phí từ khuyến công quốc gia đã hỗ trợ xây dựng 1 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 10 đề án ứng dụng máy móc và tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa với 17 DN thụ hưởng gần 4,8 tỉ đồng. Nguồn vốn này cũng hỗ trợ gần 7,7 tỉ đồng lập quy hoạch chi tiết 1 cụm công nghiệp (CCN) và đầu tư kết cấu hạ tầng cho 3 CCN, góp phần tạo mặt bằng sản xuất, khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng sản xuất, di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào CCN tập trung. Cũng trong giai đoạn này, nguồn ngân sách địa phương đã đầu tư hơn 27,98 tỉ đồng cho các mô hình khuyến công, khuyến khích phát triển CNNT, trong đó, ngân sách tỉnh hơn 14,84 tỉ đồng, ngân sách cấp huyện hơn 13,14 tỉ đồng.
Nguồn vốn khuyến công địa phương chủ yếu tập trung hỗ trợ các lĩnh vực như: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ KHKT vào sản xuất; hỗ trợ xúc tiến, phát triển sản phẩm CNNT; đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; ứng dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; xây dựng nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp; hỗ trợ phát triển CCN, điểm công nghiệp, làng nghề và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; xây dựng các điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng của tỉnh; tổ chức bình chọn và tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; quy hoạch chi tiết CCN; tổ chức các đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm; hỗ trợ hoạt động khuyến công cấp huyện...
Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh là đơn vị trực tiếp triển khai chính sách khuyến công. Với nguồn vốn khuyến công của tỉnh, trung tâm đã hỗ trợ xây dựng 11 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 100 đề án ứng dụng máy móc và tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm hàng hóa theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nghề cho 100 lao động theo chương trình khuyến công gắn với việc thực hành trực tiếp trên sản phẩm đầu ra của DN, nhờ đó chất lượng tay nghề đáp ứng tốt theo yêu cầu của DN, tỉ lệ có việc làm sau đào tạo cao, được bố trí ngay công việc khi khóa học hoàn thành. Trung tâm cũng hỗ trợ đánh giá khả năng áp dụng sản xuất sạch hơn tại 2 DN, góp phần giúp DN đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại trong sản xuất, sử dụng nguyên, nhiên vật liệu có hiệu quả hơn, giảm được chi phí sản xuất và mang lại lợi ích về môi trường.
Về xây dựng thương hiệu, trung tâm hỗ trợ 10 đơn vị xây dựng nhãn mác, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa như chế biến thực phẩm, chế biến nông nghiệp, thủy sản của địa phương. Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp các đề án xây dựng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, trung tâm còn hướng dẫn các loại hình đề án khác trong việc đảm bảo VSATTP, môi trường sản xuất, chuẩn hóa bao bì, mẫu mã đáp ứng yêu cầu thị trường... Trung tâm cũng tổ chức 3 đợt bình chọn và 1 lễ tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; hỗ trợ 13 đoàn DN CNNT của tỉnh tham gia các hội chợ cấp khu vực; 5 đề án cho các DN tham gia hội chợ trong nước; 3 điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, góp phần giúp DN tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đồng thời tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi thông tin, liên doanh liên kết và tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường....
Đối với hoạt động khuyến công cấp huyện, đến nay, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đều phân bổ nguồn kinh phí từ ngân sách huyện và bố trí cán bộ làm công tác khuyến công đáp ứng yêu cầu cho hoạt động khuyến công của từng địa phương. Từ hoạt động khuyến công cấp huyện, nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống được củng cố, khôi phục phát triển và được công nhận; nhiều mô hình khuyến công đã phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của địa phương.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động khuyến công, Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị Lê Tiến Dũng cho biết: “Thông qua hoạt động khuyến công đã khuyến khích các DN, cơ sở CNNT đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Hoạt động khuyến công ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong việc động viên, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển CNNT, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng CNH, HĐH”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=150158