Tạo động lực đột phá phát triển logistics vùng Đồng bằng sông Hồng

Vùng Đồng bằng sông Hồng là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Đây được coi là cầu nối quan trọng, cửa ngõ phía Bắc Việt Nam và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại, giao lưu văn hóa quốc tế.

Toàn cảnh diễn đàn. Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Toàn cảnh diễn đàn. Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Chiều ngày 28/5, Diễn đàn Logistics Vùng Lần thứ V năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số, động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2024” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND TP Hải Phòng phối hợp tổ chức diễn ra tại TP Hải Phòng.

Diễn đàn nhằm đưa ra những đánh giá độc lập, đa chiều về định hướng phát triển logistics của Vùng đồng bằng sông Hồng nói chung cũng như TP Hải Phòng nói riêng. Đồng thời, nhận diện những điểm nghẽn, nhận định xu hướng chuyển đổi số logistics từ các bài học quốc tế kết hợp thực tiễn phù hợp điều kiện của vùng.

Đồng bằng sông Hồng - Cửa ngõ phía Bắc Việt Nam

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong những năm qua, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành logistics ở Việt Nam đã và đang được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Vùng Đồng bằng sông Hồng là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Đây được coi là cửa ngõ phía bắc của Việt Nam và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại, là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Hiển nhận định, so với các vùng kinh tế khác trong cả nước, vùng có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước với đầy đủ 5 phương thức vận tải: đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt với ba tuyến hành lang kinh tế đi qua. Do đó, ngành logistics của vùng Đồng bằng sông Hồng còn có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng cho hay, vùng Đồng bằng sông Hồng có nền kinh tế phát triển năng động, đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới không chỉ mở ra không gian thị trường rộng lớn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư phát triển mạnh mẽ, mà còn tạo nên những cơ hội mới cho Việt Nam thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực logistics.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng chỉ ra, tại vùng đồng bằng sông Hồng, phát triển ngành logistics đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như: Quỹ đất để xây dựng hệ thống kho hàng, kho bãi, trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm logistics không nhiều, vốn đầu tư của các doanh nghiệp không lớn. Huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics còn hạn chế, thiếu đồng bộ.

Bên cạnh đó, hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn một số địa phương vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và gần như chưa có chuyển biến rõ rệt nhằm hỗ trợ lưu thông hàng hóa. Các cảng cạn khu vực phía Bắc chưa kết nối với cảng biển rõ rệt như đối với cảng cạn khu vực phía Nam; quy mô khai thác nhỏ, chưa có các trang thiết bị xếp dỡ hàng chuyên dụng. Việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp…

"Bối cảnh và thực trạng trên đặt ra yêu cầu đối với ngành logistics Việt Nam nói chung và của vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng vừa phải có các giải pháp duy trì, đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ; vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp đặc biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, tạo ra những bước đột phá phát triển" Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Động lực đột phá mới cho ngành logistics của vùng

Chỉ ra thêm những hạn chế trong logistics của vùng, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, cơ sở hạ tầng logistics của vùng Đồng bằng sông Hồng chưa kết nối đồng bộ, chưa phát huy vai trò của đường sắt và đường thủy nội địa trong khi đường thủy nội địa là một trong những công cụ góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải, đưa phát thải ròng về 0. Hạ tầng ở một số nơi, một số chỗ còn quá tải.

Ông Trần Thanh Hải thông tin, theo phản ánh của các doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể hay việc tiếp cận đất đai xây dựng hạ tầng logistics, gây ra những khó khăn nhất định và mất nhiều thời gian từ 2-3 năm khiến chi phí cơ hội rất lớn.

Ngoài ra, chi phí có sự biến động, nhất là trong thời gian qua, các doanh nghiệp phản ánh các loại phí và phụ phí ở các cảng biển, hãng tàu chưa hợp lý, mức thu chưa có lý giải để có thể chấp nhận được.

Về mặt nhân lực, với số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lên đến 35.000 - 45.000, nhân lực bước đầu đáp ứng được nhưng chất lượng và tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực còn yếu.

Bên cạnh đó, áp lực chuyển đổi xanh trong lĩnh vực logistics đang trở thành áp lực với các doanh nghiệp. Nếu không chứng minh là doanh nghiệp xanh như kho bãi không có chứng chỉ công trình xanh có thể không được lựa chọn đưa vào chuỗi cung ứng và khách hàng không tìm đến.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phát biểu tại diễn đàn. Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phát biểu tại diễn đàn. Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Trước thực tế trên, bên cạnh chiến lược dài hạn, kế hoạch trung hạn, ông Trần Thanh Hải cho rằng, cần xem xét một số động lực đột phá mới cho logistics của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trước hết là khu thương mại tự do. Đây không phải là khái niệm mới trên thế giới. Thực tiễn hoạt động của loại hình khu kinh tế tương tự như khu thương mại tự do ở Việt Nam cũng đã có như khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Khu thương mại tự do là loại hình mang lợi thế tổng hợp, đó là khu phi thuế quan, là hình thái tổng hợp gồm doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ cùng các doanh nghiệp logistics có thể cùng tham gia hoạt động. Điều này tạo lợi thế lớn cho khu thương mại tự do như thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là doanh nghiệp có nhu cầu lưu chuyển hàng hóa nhanh giữa thị trường trong và nước ngoài.

Khu thương mại tự do gắn với cảng biển, sân bay, cửa khẩu sẽ là trợ lực, cộng sinh cho cảng cũng như tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, qua đó lượng hàng hóa vào cảng, hàng hóa xuất nhập khẩu tăng lên, giúp cho dịch vụ logistics tăng lên

Tuy nhiên, theo ông Hải, vấn đề khó khăn hiện nay là cơ sở pháp lý cho khu thương mại tự do chưa thể hiện rõ ràng.

"Đây là điểm nghẽn và một số địa phương nỗ lực thiết lập khu thương mại tự do. Mới đây, TP Đà Nẵng đang kiến nghị có cơ chế trong Nghị quyết đặc thù của Quốc hội để có thể được làm. Phải chăng, đây là cách làm để một số địa phương trong vùng có thể nghiên cứu, sớm đưa khu thương mại tự do vào hoạt động," ông Trần Thanh Hải cho hay.

Bên cạnh cơ chế, để khu thương mại tự do có thể được đưa hoạt động, ông Hải cho rằng cần có quy hoạch và tìm được nhà đầu tư có năng lực.

Về chuyển đổi số. Đây là nội dung được đề cập nhiều trong thời gian qua với các vấn đề liên quan đến công nghệ, sự chuẩn bị về tài chính, nhân lực… Thời gian qua, hoạt động Chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến tạo sự kết nối giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, sự thúc đẩy để lan rộng phạm vi các hoạt động đó đang chững lại.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, chia sẻ dữ liệu chính là cách phát huy tốt nhất lợi ích của chuyển đổi số nhưng thời gian qua, đây là điểm nghẽn, ngay giữa các cơ quan Nhà nước với nhau hay giữa các cơ quan với các doanh nghiệp để có thể sử dụng dữ liệu… Do đó, cần phát triển các giải pháp, ứng dụng công nghệ như ứng dụng cảng thông minh, đào tạo nhân lực.

Về chuyển đổi xanh. Thời gian qua, Chính phủ đã có quy định cụ thể về kiểm kê khí nhà kính, sắp tới, ngoài các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở năng lượng thì các cơ sở hạ tầng về logistics, trước hết là các trung tâm logistics có thể phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Ngoài ra, ông Trần Thanh Hải cũng đề xuất một số nội dung khác tạo động lực cho sự phát triển logistics vùng Đồng bằng sông Hồng như xây dựng Kế hoạch phát triển logistics của địa phương phù hợp với chiến lược quốc gia; chăm sóc hỗ trợ đội ngũ doanh nghiệp để hình thành các doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt; thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng; xây dựng khu/trung tâm logistics lớn, hiện đại, thông minh và tự động…

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tao-dong-luc-dot-pha-phat-trien-logistics-vung-dong-bang-song-hong-post35089.html