Tạo động lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của nhiệm kỳ

Cuối phiên làm việc chiều nay (24-10), Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 44 chức danh lấy phiếu tín nhiệm. Trao đổi bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội tin tưởng, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tạo động lực, kích thích việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu còn lại của nhiệm kỳ.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội).

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội).

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội):
Giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn rất quan trọng, cử tri cả nước rất quan tâm. Đối với người giữ chức vụ, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần đánh giá về uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đây là một cách thực hiện chủ trương tạo điều kiện cho người dân giám sát. Kết quả tín nhiệm là cơ sở để cử tri hiểu rõ hơn về những nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của người được bầu hoặc phê chuẩn.

Rõ ràng, việc lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa, tạo động lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm của người được bầu hoặc phê chuẩn, thể hiện không khí dân chủ, tích cực trong xã hội.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương).

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương).

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương):
Tài liệu đánh giá nhân sự được gửi sớm

Trước khi Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu đã nhận được đầy đủ tài liệu về báo cáo của từng nhân sự được lấy phiếu tín nhiệm từ Ban Công tác đại biểu. Tài liệu được gửi rất sớm và rất chi tiết.

Trong báo cáo đánh giá hoạt động, các nhân sự chủ động tự đánh giá tình hình hoạt động, nhận xét các hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, giải pháp khắc phục thời gian tới.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp):
Đòn bẩy giúp tu chỉnh tốt hơn

Trong lần lấy phiếu tín nhiệm này sẽ thực hiện với 44 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cá nhân tôi rất kỳ vọng mỗi đại biểu Quốc hội sẽ nghiên cứu thật kỹ các báo cáo của các chức danh được lấy phiếu đã gửi để làm hành trang, tư liệu chính cho việc lấy phiếu tín nhiệm. Đồng thời, qua quá trình giám sát, chất vấn, quá trình thực hiện nhiệm vụ của các chức danh từ đầu nhiệm kỳ đến nay và qua kênh phản ánh của nhân dân, mỗi đại biểu với tinh thần công tâm, khách quan, vô tư, đầy trách nhiệm để thực hiện chính xác nhất.

Không riêng tôi mà các đại biểu Quốc hội khác cũng như cử tri, nhân dân cả nước đều kỳ vọng qua đợt lấy phiếu tín nhiệm này sẽ có tác động lớn đến các chức danh được lấy phiếu. Đồng thời, tạo đòn bẩy, kích thích rất lớn, quan trọng trong những năm còn lại của nhiệm kỳ để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu.

Với những người được tín nhiệm cao sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Với những người được tín nhiệm sẽ xem xét lại mình xem tại sao mình chỉ được tín nhiệm mà không được tín nhiệm cao, nhìn nhận xem còn có những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm nào của bản thân, gia đình để sửa chữa, khắc phục. Đây sẽ là đòn bẩy giúp họ tu chỉnh tốt hơn.

Cùng với Quốc hội thì từ nay đến cuối năm, HĐND các cấp cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được bầu, phê chuẩn ở địa phương. Do đó, tôi mong cũng phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương):
Thời điểm rất cần thiết để đánh giá

Việc lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động thường kỳ của mỗi nhiệm kỳ Quốc hội. Hiện nay, đã giữa nhiệm kỳ và đây là thời điểm để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đối với các chức vụ, người do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Đối với những người được lấy phiếu thì đây cũng là lúc để tự mình đánh giá lại việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và nhìn lại những ưu điểm, hạn chế để có nỗ lực khắc phục trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Với đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND thì hoạt động này cũng thể hiện rõ trách nhiệm giám sát của cơ quan dân cử.

Để hoạt động này đạt hiệu quả cao, đòi hỏi mỗi đại biểu phải giám sát, theo dõi rất kỹ hoạt động của các ngành, lĩnh vực, trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đồng thời, cũng phải theo dõi rất kỹ các báo cáo, kê khai tài sản, vấn đề nêu gương của người được lấy phiếu và quan trọng hơn cũng phải lắng nghe ý kiến của cử tri, nhân dân.

Bên cạnh đó, với việc lấy phiếu tín nhiệm, điều vô cùng quan trọng là mỗi đại biểu Quốc hội cần hết sức công tâm, khách quan, trách nhiệm.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông).

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông).

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông):
Đánh giá khách quan, công tâm

Nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm các vị trí do Quốc hội bầu và phê chuẩn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản.

Qua quá trình công tác thì các vị trí chức danh đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm ở từng lĩnh vực. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đánh giá rất cao các bộ trưởng, trưởng ngành đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ.

Qua nửa nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội sẽ sáng suốt, công tâm để đánh giá một cách khách quan, toàn diện đối với các lĩnh vực hoạt động của từng vị trí công tác.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tao-dong-luc-hoan-thanh-cac-nhiem-vu-muc-tieu-cua-nhiem-ky-645910.html