Tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn
Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công sẽ đánh giá kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện, đồng thời xác định nhiệm vụ, định hướng giải pháp tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới...
Ngày 7/12, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin về chuỗi sự kiện sắp tới: Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, Lễ tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023.
Đây là những sự kiện lớn, có tầm quan trọng với khuyến công - một trong những chính sách tác động trực tiếp tới phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang được quan tâm.
Theo đó, “Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45” sẽ được tổ chức ngày 14/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị định số 45, đồng thời xác định nhiệm vụ, định hướng giải pháp tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới.
"Lễ tôn vinh, trao Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia" và "Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn năm 2023" tổ chức ngày 15/12 tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng Quốc gia.
Theo đại diện Cục Công Thương địa phương, kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ V năm 2023, Cục Công Thương địa phương nhận được 441 hồ sơ gửi đăng ký tham gia của 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cục tổng hợp, báo cáo Hội đồng bình chọn và bàn giao hồ sơ đến Ban Giám khảo để tổ chức chấm điểm theo quy định.
Từ báo cáo kết quả chấm điểm các sản phẩm đạt từ 70 điểm (thang điểm 100) trở lên của Ban Giám khảo, Hội đồng bình chọn đã bỏ phiếu lựa chọn 173 sản phẩm, bộ sản phẩm của 54 địa phương (đạt tỷ lệ 40%). Hội đồng bình chọn đã báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt Quyết định số 3116/QĐ-BCT ngày 01 tháng 12 năm 2023 công nhận 173 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.
"Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023" diễn ra từ ngày 15 -19/12 với quy mô 250 gian hàng tiêu chuẩn và 1 khu triển lãm rộng gần 500m2 giới thiệu sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp.
Tại hội chợ triển lãm sẽ có sự tham gia của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn của gần 60 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, ban tổ chức cũng đã xây dựng gian hàng hội chợ triển lãm trên không gian ảo. Tính đến ngày 1/12/2023 đã tạo dựng được 255 gian hàng, hoàn thiện được 70 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số.
Trong thời gian diễn ra hội chợ triển lãm còn có các hoạt động khác như tổ chức tọa đàm về phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; các hoạt động tư vấn tại hội chợ triển lãm từ 15-19/12/2023; tư vấn chuyển đổi số, kết nối giao thương…
Chia sẻ tại cuộc họp báo, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, cho biết sau khi Nghị định số 45/2012/NĐ-CP được ban hành, công tác khuyến công được triển khai sâu rộng và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đến nay 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có các đơn vị sự nghiệp triển khai hoạt động. Hệ thống khuyến công không ngừng được củng cố, trưởng thành, kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương và hoạt động ngày càng hiệu quả.
Công tác khuyến công của cả nước cơ bản đã bám sát và đạt được các mục tiêu đề ra: Động viên và huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Cụ thể, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn để phổ biến sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới được 630 mô hình; hơn 8.000 cơ sở được hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ tổ chức bình chọn 1.630 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, 512 sản phẩm cấp quốc gia; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người.
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập quốc tế về kinh tế.
Song bên cạnh những kết quả đạt được, bà Đinh Thị Huyền Linh, Trưởng phòng Quản lý Khuyến công, Cục Công Thương địa phương cho rằng vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, còn một số nội dung chưa tổ chức thực hiện được nhiều, khó khăn liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị triển khai công tác khuyến công thuộc các Sở Công Thương.
Ngoài ra, tại địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa do nhiều hạn chế vẫn tồn tại số ít đề án nhỏ lẻ.
Trước những hạn chế trên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương có định hướng rà soát cơ chế chính sách, hoàn thiện khung pháp lý, điều chỉnh cơ chế chính sách về khuyến công phù hợp với tình hình mới.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tao-dong-luc-moi-cho-phat-trien-cong-nghiep-nong-thon.htm