Tạo động lực phát triển bứt phá từ Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 11, chiều 12-5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Đầu tư dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội là cấp thiết

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội do Chính phủ trình, tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long) qua địa phận: Thành phố Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km). Dự án có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha; kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 19.590 tỷ đồng. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện dự án. Theo đó, dự án sử dụng hình thức đầu tư hỗn hợp, giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự kiến dự án cơ bản hoàn thành năm 2025.

Thẩm tra dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy, dự án này có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, trong đó sử dụng 56.403 tỷ đồng vốn đầu tư công và 29.410 tỷ đồng vốn BOT. “Do đó, hình thức đầu tư của dự án phải là dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Vì vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, theo Tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh do Chính phủ trình cho thấy, tổng chiều dài tuyến là 76,34 km; bao gồm: TP Hồ Chí Minh: 47,51km; Đồng Nai: 11,26km; Bình Dương: 10,76km; Long An: 6,81km. Tổng diện tích đất chiếm dụng của dự án khoảng 642,7ha; kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 41.589 tỷ đồng. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỷ đồng. Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh được chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.

Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cơ quan trình dự án xác định rõ chi phí đầu tư đường Vành đai 3; chi phí đầu tư đường song hành. Trên cơ sở đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu phân chia dự án thành các dự án thành phần như sau: Phần 1 là đường Vành đai 3 phân theo địa giới hành chính của từng địa phương. Phần 2 là hai tuyến đường song hành, phân theo địa giới hành chính của từng địa phương. Để bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư của từng dự án thành phần, làm rõ nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp và phương án thu hồi vốn đầu tư hoàn trả vào ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương.

Làm rõ khả năng cân đối ngân sách

Thảo luận về nội dung này, ý kiến của các thành viên UBTVQH nhấn mạnh, việc xây dựng hai tuyến đường này là rất cấp thiết. Không chỉ giúp TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khắc phục tình trạng quá tải về giao thông mà còn giúp hai địa phương này mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó, tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022-2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, do đó, sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ khả năng cân đối ngân sách, năng lực quản lý, kinh nghiệm tổ chức thực hiện của các địa phương được giao quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện các dự án thành phần. Đề nghị làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm “đầu mối” của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cơ chế phối hợp, tham gia của các địa phương liên quan và cơ quan sẽ thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở để việc tổ chức thực hiện toàn bộ dự án thành phần này thuận lợi và bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất của dự án.

Góp ý về hai dự án nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là những dự án quan trọng của quốc gia. Do đó, cần làm rõ việc phân kỳ đầu tư, sự phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, hình thức đầu tư, cơ cấu các nguồn vốn đầu tư, nhất là kế hoạch bố trí vốn phù hợp với tiến độ triển khai dự án.

Trong thời gian làm việc cuối buổi chiều, UBTVQH xem xét, thông qua Nghị quyết thành lập thị trấn Phương Sơn thuộc huyện Lục Nam và thành lập thị trấn Bắc Lý thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Trước đó, trong sáng 12-5, UBTVQH đã nghe, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tao-dong-luc-phat-trien-but-pha-tu-vanh-dai-3-tp-ho-chi-minh-va-vanh-dai-4-vung-thu-do-ha-noi-694265