Tạo động lực phát triển khoa học công nghệ Kỳ 1: Chăm lo công tác khoa học công nghệ

Những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học luôn được các cấp ủy đảng các đơn vị viện, trường trên địa bàn tỉnh quan tâm và xem đó là chiến lược hàng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tiêu biểu trong hoạt động này là những tấm gương đảng viên, đảng bộ gương mẫu, đi đầu trong phát triển khoa học công nghệ.

Những đảng viên gương mẫu

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Chí Công - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Nha Trang với 43 tuổi đời, 20 năm tuổi đảng, anh được xem là người đặt nền móng nghiên cứu kinh doanh du lịch và phát triển bền vững kinh tế biển. Dễ thấy ngay từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân anh đã đam mê nghiên cứu khoa học. Đề tài “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm bánh kẹo Hải Châu (Hà Nội) hội nhập kinh tế quốc tế” của anh (năm 2002) đã đạt giải 3 cấp trường minh chứng điều này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Chí Công (thứ 2 từ trái sang) trong lễ công bố chức danh Phó Giáo sư.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Chí Công (thứ 2 từ trái sang) trong lễ công bố chức danh Phó Giáo sư.

Những năm đầu công tác tại Trường Đại học Nha Trang, ông may mắn được tham gia Chương trình thạc sĩ tiếng Anh do Chính phủ Na Uy tài trợ, được tiếp cận với các chuyên gia quốc tế, phát triển định hướng kinh doanh du lịch. Đến năm 2010, ông được bổ nhiệm làm Trưởng bộ môn Du lịch - một bộ môn mới hình thành của khoa Kinh tế, Trường Đại học Nha Trang. Và cũng từ đó, những công trình nghiên cứu của ông về du lịch nở rộ, bình quân mỗi năm đều có công trình đăng trên tạp chí hàng đầu về du lịch. Năm 2019, ông vinh dự được Nhà nước phong danh hiệu Phó Giáo sư. Đến nay, ông có hơn 60 công trình nghiên cứu, được công bố trong và ngoài nước, chủ yếu là lĩnh vực du lịch; đào tạo hàng chục nghiên cứu sinh cao học cho nhiều trường đại học…

Nói về những thành tích này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Chí Công đánh giá cao vai trò của các tổ chức đảng trong nhà trường. Ông cho biết, xuyên suốt trong nhiều năm qua, đảng ủy, tổ chức đảng nhà trường rất quan tâm công tác nghiên cứu khoa học đồng thời xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của đơn vị. Chính từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao ấy, Nhà trường đã tạo mọi điều kiện cho giảng viên, sinh viên thực hiện niềm đam mê của mình. Khoa Du lịch cũng đã thành lập được Chi bộ Khoa Du lịch. Chi bộ luôn kết hợp công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, phẩm chất cách mạng với động viên đảng viên cán bộ, sinh viên nghiên cứu khoa học. Hàng năm, Chi bộ đều kết nạp 5 sinh viên vào đảng, và họ để trở thành những đảng viên trẻ, nòng cốt trong lực lượng nghiên cứu khoa học của Khoa và Nhà trường. Từ những thành tích trên, nhiều năm qua, Chi bộ Khoa Du lịch được Đảng ủy Nhà trường khen thưởng trong việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trở lại Nha Trang sau khi bảo vệ thành công luận án nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Viện 3) rất vui khi được đóng góp một phần vào công tác nghiên cứu, bảo tồn các giống thủy sản quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam.

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp đại học, ông về làm việc tại Viện 3 - một trung tâm nghiên cứu nuôi thủy sản hàng đầu khu vực Miền Trung. Năm 2003, trải qua 2 vòng xét tuyển căng thẳng, ông là một trong số 13 người khắp các châu lục được nhận học bổng VLIR, là học bổng Châu Âu cho chương trình học thạc sĩ tại Đại học Ghent (Vương quốc Bỉ). Trở về nước (2005) ông được Viện 3 giao trọng trách phối hợp với chuyên gia Nhật Bản (Tổ chức JICA) xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển nuôi biển tại Nha Trang. Trong thời gian này, bên cạnh việc chủ động thực hiện dự án xây dựng trung tâm, ông còn nghiên cứu đến các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế còn khá mới mẻ như cá chẽm, cá mú… Đồng thời, thực hiện đề tài cấp bộ về lưu giữ nguồn gen giống thủy sản khu vực Miền Trung nhằm bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như cua hoàng đế, hải sâm vú và một số loài quý hiếm khác… Đến năm 2011, một lần nữa ông quay lại Đại học Ghent để làm luận án tiến sĩ.

Trong quãng đời làm khoa học, ông thực hiện nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, 4 đề tài cấp Nhà nước, 3 đề tài cấp bộ, xuất bản 5 bài báo Q1 (chỉ số SJR cao nhất) và nhiều tạp chí chuyên ngành nước ngoài. Ông luôn tâm niệm, với trách nhiệm của 1 cán bộ, đảng viên bản thân phải nỗ lực hết sức mình để hoàn thành trách nhiệm được giao.

Với Thạc sĩ Lương Công Bình - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa, 41 tuổi, 14 tuổi đảng có nhiều nét khác của 1 đơn vị sản xuất kinh doanh. Ông bắt đầu làm việc tại công ty từ năm 2006, đến năm 2010 được đề bạt làm phó phòng, rồi trưởng phòng khoa học công nghệ (2015). Dù với trọng trách nào ông đều nỗ lực đóng góp sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhất. Cho đến nay, ông đã có nhiều đóng góp cho công ty, là thư ký của 5 đề tài và chủ nhiệm của 2 đề tài khoa học. Những đề tài nổi bật như: Ấp nuôi nhân tạo chim yến hàng; kỹ thuật nhà yến trong nhà; phát triển nuôi yến bền vững; nuôi và xây dựng nhà yến phù hợp vùng miền; khai thác phát triển chim yến đảo… Đặc biệt, mới đây trên cơ sở ứng dụng công nghệ AI, anh đã thực hiện thành công đề tài “Xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển nhà yến thông minh” mà chính anh là chủ nhiệm đem lại nhiều lợi ích cho người nuôi yến.

Thạc sĩ Lương Công Bình nghiên cứu tập tính chim yến cùng cộng sự

Thạc sĩ Lương Công Bình nghiên cứu tập tính chim yến cùng cộng sự

Xem khoa học công nghệ là chiến lược hàng đầu

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang, những năm qua, Trường Đại học Nha Trang rất quan tâm công tác phát triển khoa học công nghệ, coi đây là chiến lược hàng đầu. Nhà trường có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (kể cả quốc tế). Trong đó, nhiều công nghệ, quy trình kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi như: Nuôi tôm sú thâm canh trong ao cát; sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá chẽm, cá chim vây vàng, cá khế vằn, cá bớp, cá hồng mỹ, ốc đĩa, sò huyết, ốc nhảy... Ngư dân, doanh nghiệp sử dụng ngày càng nhiều tàu thuyền vỏ composite do nhà trường đóng. Việc sản xuất Chitin, Chitosan từ phụ phẩm thủy sản, Surimi hay các sản phẩm tương tự được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, những chương trình hợp tác quốc tế cũng rất đa dạng. Cùng với đối tác như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc…, nhà trường triển khai nhiều dự án nghiên cứu. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học với số lượng đề tài ngày càng tăng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng với các chuyên gia tại Đại học Ghent (Vương quốc Bỉ)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng với các chuyên gia tại Đại học Ghent (Vương quốc Bỉ)

Nói về sự quan tâm đảng bộ nhà trường đối với công tác khoa học công nghệ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Hùng cho hay, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy đã bám sát nghị quyết, kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ và Nghị quyết của Đảng bộ cấp trên để tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, rà soát, xác định hướng nghiên cứu chiến lược, mũi nhọn để tập trung đầu tư; tăng cường hỗ trợ cán bộ viên chức xây dựng và triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ; phối hợp với các khoa, viện tham mưu và đề xuất triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp… “Giai đoạn giai đoạn 2021-2025, nhà trường tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu mới về lĩnh vực thủy sản, kinh tế biển; ưu tiên thành lập nhóm nghiên cứu thực nghiệm triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ chuyển giao khoa học công nghệ và thương mại hóa sản phẩm; tăng cường đăng ký bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích... nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước...”, ông Phạm Quốc Hùng nói.

Ông Nguyễn Anh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên yến sào Khánh Hòa cũng cho biết, công tác nghiên cứu khoa học luôn được công ty đặc biệt coi trọng, ra sức khuyến khích, tạo thuận lợi để cán bộ, công nhân viên phát huy tính sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất - kinh doanh. Trước những khó khăn, thách thức, công ty tập trung đầu tư khoa học công nghệ kết hợp truyền thống, ứng dụng công nghệ 4.0 trong mọi lĩnh vực để giữ vững thương hiệu quốc gia Yến sào Khánh Hòa, vươn tầm quốc tế. Giải pháp của công ty rất đa dạng. Đó là cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lĩnh vực khoa học công nghệ như thu hút nhân tài, bồi dưỡng, đào tạo, đầu tư công nghệ, phòng Lab, chính sách khen thưởng... Công ty cử kỹ sư, cán bộ kỹ thuật đi học tập, nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu. Hàng năm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, nâng cao hiệu suất lao động kết hợp thi tay nghề… Công ty đầu tư trung tâm công nghệ, các trung tâm nghiên cứu để chủ trì thực hiện các đề tài chuyên ngành về chim yến; xây dựng nhà máy hiện đại thỏa mãn các tiêu chuẩn quốc tế. Công ty quan tâm khen thưởng, cất nhắc, đề bạt cán bộ kịp thời; phát huy phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật; nâng cao hiệu quả hợp tác khoa học công nghệ…

V.L

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/giai-bua-liem-vang/202309/tao-dong-luc-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-ky-1-cham-lo-cong-tac-khoa-hoc-cong-nghe-15a306b/