Tạo động lực tăng trưởng bền vững cho mục tiêu GDP từ 6 đến 6,5%

Các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; kết hợp chính sách tiền tệ - tài khóa hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động sản xuất để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được đặt ra là 6-6,5%.

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời, đẩy mạnh tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Cần thêm các chính sách hỗ trợ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024. Ảnh: Việt Duy

Cần thêm các chính sách hỗ trợ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024. Ảnh: Việt Duy

Trước những khó khăn của nền kinh tế năm 2023, một vài ý kiến cho rằng mục tiêu này là khá cao. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, để thực hiện được các nhiệm vụ đề ra cần thực hiện quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy được các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023 và tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định giá trị VND, kiềm chế lạm phát; kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tiền tệ - tài khóa, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp, để hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động sản xuất.

"Chính phủ tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, theo dõi, đánh giá để phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ tăng trưởng; giữa đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân để thúc đẩy sự tăng trưởng một cách bền vững", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Ngoài các chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp cần phải tận dụng thời cơ để tiến hành thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để đưa ra thị trường những sản phẩm hàng hóa rẻ hơn, thu hút sức mua tăng trở lại. Đây là vấn đề hết sức thiết thực, cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. Việc đầu tư vào công nghệ số hóa không hoàn toàn phục vụ mục đích lợi nhuận trước mắt, mà là cơ hội cho chặng đường phát triển công ty bền vững và lâu dài.

Trong khi đó, theo Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, dù kinh tế Việt Nam hiện còn gặp khó khăn nhưng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh cho năm 2024 và năm 2025 sẽ cao hơn hiện tại. Do đó, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 6-6,5% trong năm 2024 hoàn toàn khả thi.

Ông Ánh cũng cho rằng, việc xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5% năm 2024 là bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, tuy nhiên việc thực hiện được còn phụ thuộc nhiều yếu tố và ảnh hưởng phát sinh các vấn đề từ kinh tế toàn cầu cũng như khu vực.

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH Lạng Sơn) nhấn mạnh một số giải pháp như: Tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa, tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu đoàn Lạng Sơn cho rằng, cần tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đến đổi mới sáng tạo đồng thời tăng cường liên kết vùng.

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tao-dong-luc-tang-truong-ben-vung-cho-muc-tieu-gdp-tu-6-den-65-169231113140454132.htm