Tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố Hải Phòng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, tại Kỳ họp thứ 9, nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, phát huy hết vai trò, vị thế và tiềm năng lợi thế để tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Xây dựng chính sách đột phá, sáng tạo, bao quát, toàn diện

Sáng 17/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng.

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng để khơi thông các điểm “nghẽn”, tạo đột phá, có sức lan tỏa lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng và đóng góp lớn hơn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước là cần thiết và phù hợp với mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, Kết luận số 96-KL/TW.

Qua đó, tạo động lực tăng trưởng mới, phát huy hết vai trò, vị thế và tiềm năng lợi thế để tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo mục tiêu đã đề ra.

Một trong những quan điểm xây dựng Dự thảo Nghị quyết là thực hiện phân cấp, ủy quyền tối đa cho TP. Hải Phòng nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thành phố; tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Tán thành việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35, tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị, cùng với việc thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng về thay đổi địa giới hành chính, Tờ trình cần đánh giá tổng thể, từ đó mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết này cho địa bàn mới được sáp nhập; xây dựng chính sách đột phá, sáng tạo, bao quát, toàn diện.

Đối với phần địa bàn mở rộng sau sáp nhập, đề nghị có chính sách đặc thù phù hợp để phát huy lợi thế, đặc điểm riêng biệt về vị trí địa lý, kinh tế, văn hóa.

“Mặc dù Dự thảo Nghị quyết đã có điều khoản mở cho trường hợp sáp nhập, tuy nhiên, quy định đó mới chỉ là nguyên tắc chung. Các chính sách tại Dự thảo cơ bản mới chỉ được xây dựng trên cơ sở triển khai Nghị quyết số 45 và Kết luận số 96 của Bộ Chính trị; các đánh giá tác động, mục tiêu đặt ra hiện chỉ trên cơ sở địa giới hiện có, dân số hiện hữu, tiềm năng hiện nay của riêng Hải Phòng trước sáp nhập” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ.

Chính sách ưu đãi phải “có van, có khóa”

Nhất trí quan điểm của Cơ quan thẩm tra, phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Dự thảo Nghị quyết được xem xét trong bối cảnh sắp xếp lại địa giới hành chính các địa phương, do vậy Chính phủ cần có văn bản gửi Bộ Chính trị xin ý kiến về áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hải Phòng sau khi triển khai sáp nhập, mở rộng diện tích, tạo thuận lợi cho quá trình Quốc hội xem xét, thông qua và tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh quan điểm cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ kiến tạo và giám sát”.

Về cơ chế tài chính, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải ưu đãi hơn mức quy định hiện hành. Cụ thể, theo Nghị quyết số 35/2021/QH15, TP. Hải Phòng được giữ không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn để đầu tư hạ tầng. Dự thảo Nghị quyết đề xuất nâng lên mức 80 - 85%. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mức đề xuất này là hợp lý, đồng thời cũng đánh giá cao việc Dự thảo Nghị quyết cho phép thí điểm phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu hạ tầng với lãi suất ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Dự thảo Nghị quyết cần nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính sẽ quyết định cho sự phát triển TP. Hải Phòng trong thời gian tới; đồng thời, chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, quy định đánh giá tác động môi trường chặt chẽ hơn cho các dự án lấn biển, khu công nghiệp, đô thị hóa; thí điểm các dự án kinh tế xanh như nuôi trồng thủy sản bền vững, du lịch sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục cập nhật các quyết sách của Bộ Chính trị tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11.

TP. Hải Phòng cần đi đầu trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; tiếp tục thể chế hóa, đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, các luật về khoa học, công nghệ vào phát triển Thành phố.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, đã là thí điểm thì phải có thời hạn, do vậy phải rà soát lại các chính sách xem có nội dung nào có thời hạn chưa rõ ràng hay không, cân nhắc thời hạn kéo dài bao lâu; cân nhắc chính sách ưu đãi phải có mức tối thiểu và tối đa, tức là phải “có van, có khóa”.

Ủng hộ chính sách cho phép TP. Hải Phòng được thu hồi đất xen kẹt trong khu dân cư nhằm khắc phục tình trạng mặt bằng “xôi đỗ” thời gian qua, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, song Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, Dự thảo Nghị quyết cần làm rõ tiêu chí về đất xen kẹt để tránh lạm dụng chính sách, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi đất lúa, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các địa phương phản ánh các chỉ tiêu sử dụng đất hiện nay rất vướng, diện tích đất lúa giao nhiều nhưng diện tích đất cho triển công nghiệp giao thấp nên các địa phương thiếu không gian để phát triển công nghiệp. “Vấn đề này không chỉ có Hải Phòng và một số địa phương mà rất nhiều địa phương khác, do đó cần báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng tháo gỡ chung để vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa phải dành đất cho mục đích khác để nâng cao hiệu quả sử dụng đất” - Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề xuất.

Quan tâm đến chính sách miễn thị thực, Dự thảo Nghị quyết quy định “miễn thị thực và cấp thẻ tạm trú 10 năm cho người nước ngoài là chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, nhà quản lý, lao động có trình độ cao và các thành viên gia đình làm việc tại doanh nghiệp có trụ sở chính trong Khu thương mại tự do Hải Phòng”. Phó trưởng Ban Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị quy định cụ thể hơn về tiêu chí đánh giá thế nào là chuyên gia, người có tài năng đặc biệt, hạn chế lạm dụng khi áp dụng chính sách./.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tao-dong-luc-tang-truong-moi-cho-thanh-pho-hai-phong-39579.html