Tạo đột phá cho đường sắt đô thị

Đường sắt đô thị mới được đưa vào vận hành chưa lâu song đã sớm khẳng định tính hiệu quả của loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, văn minh, hiện đại và an toàn.

Xác định đây là loại hình vận tải “xương sống” của Thủ đô, thành phố Hà Nội đang khẩn trương nghiên cứu, tìm các giải pháp khả thi để sớm triển khai các dự án đường sắt đô thị theo quy hoạch. Khi đó, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội sẽ không còn là “ngôi sao cô đơn”...

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quang

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quang

Chuyển động mới về vận tải hành khách công cộng

Từ ngày 8-8-2024, khi đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy, thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chính thức khai thác thương mại, mỗi ngày, anh Nguyễn Đức Thắng (phố Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) không còn phải vất vả chen chúc giữa dòng người và xe ken đặc, cùng khói bụi trên cung đường gần chục cây số từ nhà đến cơ quan ở số 243A đường Đê La Thành (quận Đống Đa). Chiếc xe máy đã gắn bó cùng anh nhiều năm từ nay sẽ thường xuyên nằm nhà. Một thói quen di chuyển mới đầy ấn tượng vừa bắt đầu hình thành trong anh. Mỗi sáng, anh đi bộ ra ga Cầu Diễn (ga S4) cách nhà vài trăm mét, đợi vài phút là lên tàu. Thêm chừng chục phút di chuyển, tàu đã đến ga S8 (Đại học Giao thông Vận tải), anh xuống tàu rồi đi bộ một đoạn là đến cơ quan.

“Bao nhiêu năm nếm đủ nỗi khổ tắc đường, giờ đi tàu điện có điều hòa mát mẻ, không khói bụi, thời gian di chuyển nhanh gấp nhiều lần xe máy, lại an toàn và không lo ùn tắc. Người dân Thủ đô, đặc biệt là dân công sở và sinh viên của hàng loạt trường đại học bám dọc tuyến rất phấn khởi khi dự án đi vào vận hành. Tuyến Nhổn - Ga Hà Nội như một dấu gạch nối giữa nội đô và ngoại thành, làm thay đổi đáng kể diện mạo khu vực phía Tây thành phố. Sau này, khi đoạn tuyến đi ngầm hoàn thành, kéo dài đến tận ga Hà Nội thì sẽ còn tuyệt vời hơn nữa!" - anh Thắng phấn khởi chia sẻ.

Chỉ ít ngày đi vào vận hành, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã chứng minh được tính hiệu quả rất cao. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường thông tin, chỉ trong 4 ngày đầu chính thức khai thác thương mại (từ ngày 8 đến 11-8-2024), tuyến đã phục vụ hơn 256.000 lượt hành khách trải nghiệm. Đáng chú ý, ngày 11-8-2024, tuyến đón 100.515 lượt hành khách, một con số kỷ lục, vượt xa mong đợi của Hanoi Metro. Hiệu quả của tuyến này cao hơn rất nhiều so với tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cả nước vận hành thương mại vào ngày 6-11-2021). Trước đó, kỷ lục vận chuyển hành khách của tuyến Cát Linh - Hà Đông được xác lập vào ngày Quốc khánh 2-9-2023 cũng chỉ đạt 55.980 lượt hành khách.

“Chúng tôi thật sự rất bất ngờ trước sức hút của đoạn đường sắt đô thị Nhổn - Cầu Giấy. Điều đó cho thấy loại hình vận tải này ngày càng được người dân quan tâm và tin tưởng. Đường sắt đô thị thực sự là bước chuyển động mới cho giao thông Thủ đô” - ông Vũ Hồng Trường nói.

Những con số nói trên đã chứng minh hiệu quả bước đầu mà 2 đoạn tuyến đầu tiên trong mạng lưới đường sắt đô thị của Thủ đô theo quy hoạch mang lại. Nhưng, để đến được ngày những con tàu đẹp, hiện đại và văn minh chạy vun vút thì còn phải vượt qua vô vàn khó khăn, trở ngại. Mỗi dự án đều đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn, bị đội vốn, chậm tiến độ. Do là loại hình giao thông lần đầu tiên triển khai tại Hà Nội và cả nước, kinh nghiệm của các chuyên gia, kỹ sư trong nước còn hạn chế nên phải phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố nước ngoài. Rồi những ách tắc kéo dài trong giải phóng mặt bằng càng khiến dự án bị kéo dài. Trong đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông dài 13km mất tới 10 năm từ ngày khởi công mới có thể hoàn thành sau 4 lần trễ hẹn, gia hạn tiến độ. Đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội dài 8,5km phải mất tới hơn 14 năm triển khai với 7 lần lùi tiến độ mới có thể đi vào khai thác thương mại.

Phó Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) Nguyễn Bá Sơn chia sẻ: “Khoảng thời gian hơn 14 năm triển khai, dự án đã vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức. Khi dự án đi vào vận hành, mỗi cán bộ, nhân viên Ban Quản lý dự án đều tự hào vì bao công sức bỏ ra sau thời gian dài đã có kết quả”.

Không còn là “ngôi sao cô đơn”

Còn nhớ hồi mới đưa tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác, Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường đã nhiều lần trăn trở khi gọi tuyến này là “ngôi sao cô đơn” và luôn có những kiến nghị, đề xuất giải pháp để Thành phố sớm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án mới. Đến bây giờ, thành phố đã có thêm 8,5km của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, để Cát Linh - Hà Đông bớt “cô đơn”. Các cấp chính quyền thành phố đang rất quyết tâm và người dân Thủ đô rất mong đợi sẽ có thêm nhiều “ngôi sao” nữa.

Sau 2 tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang được Thành phố khẩn trương xúc tiến. Phương án điều chỉnh dự án đã được trình và hy vọng Chính phủ sớm phê duyệt trong quý III-2024 để triển khai. Ngoài ra, tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, xúc tiến thủ tục đầu tư.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030, tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410km. Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200km. Như vậy, đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617km. Để hoàn thành toàn bộ 15 tuyến, nhu cầu vốn lên tới khoảng 55 tỷ USD, một con số khổng lồ.

Thực tế cho thấy trong thời gian qua, việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị gặp nhiều khó khăn, hiện mới chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội hoạt động. Nếu vẫn xây dựng các tuyến còn lại theo phương thức cũ thì thành phố sẽ gặp thách thức lớn về nguồn lực, vốn... "Thay đổi cách làm, phương thức đầu tư các tuyến đường sắt đô thị là rất cần thiết và mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông) chính là hướng ra để giải “bài toán” khó cho giao thông đô thị" - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Phi Thường, việc nghiên cứu, áp dụng mô hình TOD cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị sẽ bảo đảm tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn về phát triển đô thị bền vững, kết hợp giữa vai trò chủ đạo của Nhà nước với nguồn lực, sự sáng tạo của khu vực tư nhân, để tạo sức sống cho giao thông công cộng, đưa giao thông công cộng trở thành động lực của sự phát triển.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng cho hay, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, để phân cấp phân quyền chủ động cho Thành phố tập trung nguồn lực, rút ngắn trình tự thủ tục; cân đối nguồn vốn để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về các yếu tố đầu máy, toa xe, đường ray và đặc biệt là đồng bộ về kết nối hệ thống, kết nối liên vùng giữa các tỉnh, thành phố, từ đó phát huy hiệu quả các dự án đầu tư, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả vùng.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tao-dot-pha-cho-duong-sat-do-thi-681074.html