Tạo đột phá đưa Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững

Sáng 8-7, Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37/NQ-TW; Lại Xuân Môn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Cao Bằng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-TW, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, Cao Bằng đã và đang tạo đà vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.

Giai đoạn 2004-2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,5%/năm. Thu ngân sách tăng trưởng bình quân 18%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng bình quân 14%/năm. Năm 2018, tỉnh đón 1,2 triệu lượt du khách; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn đạt hơn hai tỷ USD. Công tác giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả tích cực, thu nhập bình quân đầu người từng bước được cải thiện, nâng lên.

Tỉnh Cao Bằng thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư và đã thu hút được 275 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 35 nghìn tỷ đồng.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhằm tháo gỡ “nút thắt” hạ tầng, phát triển kinh tế, Cao Bằng phối hợp đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); điều chỉnh quy hoạch Quốc lộ 3 theo hướng tránh các đèo Giàng, đèo Gió.

Tỉnh bố trí di dân được 572 hộ ra biên giới, ổn định dân cư, bảo vệ quốc phòng - an ninh khu vực biên giới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỉnh quan tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh địa bàn biên giới.

Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại biên giới và nông nghiệp công nghệ cao.

Tỉnh Cao Bằng kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); phê duyệt Đề án tổng thể chung “Xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc”, trong đó có Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc). Quốc hội xem xét, phân bổ ngân sách, bảo đảm nguồn vốn nhà nước cho dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh Cao Bằng triển khai trong giai đoạn 2019-2022.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh, 15 năm qua, cả vùng và Cao Bằng nói riêng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết 37 đặt ra đều được hoàn thành, hoàn thành vượt mức. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc có thay đổi tích cực.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, khoảng cách giữa Cao Bằng và các tỉnh miền xuôi còn lớn, do đó, tỉnh cần có quyết tâm mới, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa.

Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế cho rằng, Cao Bằng cần đánh giá đúng ưu thế, lợi thế so sánh của Cao Bằng với các địa phương, từ đó, tăng cường khai thác lợi thế đó. Cao Bằng giáp với Quảng Tây (Trung Quốc), Quảng Tây không có biển, do đó, Cao Bằng cần phát triển giao thông, trở thành cửa ngõ ra biển của Quảng Tây, của các địa phương phía nam Trung Quốc.

Tỉnh cần chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển thương mại biên giới, phát triển dịch vụ hậu cần cho hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu phát triển bài bản, thương mại biên giới sẽ là thế mạnh, mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh, Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, bề dày truyền thống văn hóa, tạo sức thu hút đối với du khách, tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, thu hút đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch.

Để phát triển du lịch bền vững, tỉnh cần đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch. Tỉnh cần rà soát kỹ lưỡng, hạn chế khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng môi trường sinh thái.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển trồng rừng kinh tế, cây dược liệu và trồng cây ăn quả. Phát triển trồng rừng gỗ lớn. Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Tỉnh cần quan tâm nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ tạo thuận lợi phát triển thương mại, dịch vụ; vấn đề kết nối giao thông giữa Cao Bằng và các tỉnh trong vùng, T.Ư sẽ quan tâm. Tỉnh cũng tiếp tục huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ công tác giảm nghèo nhanh, bền vững. Chú trọng chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đừng vì tập trung phát triển kinh tế mà để hụt hẫng về giáo dục. Chú trọng quản lý tốt hoạt động tôn giáo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nhân dịp này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hỗ trợ tỉnh Cao Bằng xây dựng Trường tiểu học xã Minh Khai, huyện Thạch An.

Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư đến thăm hỏi, tặng quà hai cán bộ lão thành cách mạng ở thành phố Cao Bằng.

MINH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40794702-tao-dot-pha-dua-cao-bang-phat-trien-nhanh-va-ben-vung.html