Tạo đột phá 'hút' đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chíp bán dẫn và các ngành công nghiệp mới
Cần tạo cơ chế đột phá để 'hút' đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là lĩnh vực chíp bán dẫn và các ngành công nghiệp mới.
Chiều ngày 2/3 tại Hà Nội, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024.
Buổi họp báo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí - thông tấn Trung ương và địa phương.
Tại buổi họp báo, đề cập về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong những tháng đầu năm và những giải pháp đột phá để thu hút các dự án lớn đầu tư vào Việt Nam, nhất là những dự án đầu tư, doanh nghiệp lớn về công nghệ đầu tư vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Có thể thấy rằng, 6 tháng đầu năm 2023, chúng ta rất lo về tiến độ thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vì tiến độ tăng trưởng khá thấp do rất nhiều nguyên nhân, đặc biệt là những nguyên nhân khó khăn của nền kinh tế thế giới. Nhưng 6 tháng cuối năm Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ và đạt được mức tăng trưởng thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có rất nhiều nguyên nhân quan trọng có thể thấy được, đầu tiên là sự ổn định chính trị, an ninh và kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.
Thứ hai là kết quả các chuyến ngoại giao cấp cao của lãnh đạo nước ta và của các đoàn ngoại giao cấp cao của các nước tới Việt Nam, mang lại hiệu quả hết sức cụ thể để thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy và đánh giá được các tiềm năng và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Họ cho rằng Việt Nam là điểm đến hết sức hấp dẫn. Đấy là những điều chúng ta có thể thấy được trong nửa cuối của năm 2023.
"Và 2 tháng đầu năm 2024 là đà tiếp nối những gì Việt Nam đạt được trong những tháng cuối năm 2023. Kết quả cho thấy 2 tháng đầu năm của chúng ta hết sức tích cực về thu hút FDI" - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.
Cụ thể, vốn đầu tư đăng ký đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%. một con số rất cao so với cùng kỳ. Thông thường khi báo cáo, mấy phần trăm đã là khủng khiếp, nhưng tăng 38,6% là sự đáng mừng, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm. Giải ngân cũng hết sức tích cực, tăng đến 9,8% - tương đương 2,8 tỷ USD, cho thấy các cam kết của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là cụ thể.
Một điểm đáng chú ý về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là chúng ta có tỉ lệ về vốn mới và dự án mới rất cao. Đây là một tín hiệu rất tốt và kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng của chúng ta trong năm 2024 cũng như 2025.
Liên quan đến các giải pháp đột phá để có thể thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư lớn tới Việt Nam như sáng nay Thủ tướng đã chỉ đạo và đã giao nhiệm vụ cho các bộ ngành, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư ý thức được trách nhiệm trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, dự án lớn trong các lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm, nhất là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là lĩnh vực đã bàn rất nhiều vào năm ngoái – chíp bán dẫn cũng như các ngành công nghiệp mới.
Về sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, chúng ta có thể thấy được có ba lĩnh vực được quan tâm. Đầu tiên là hạ tầng và đất đai. Đối với các dự án lớn, nhu cầu về đất đai rất lớn. Nhà đầu tư đặt những yêu cầu về hạ tầng rất cao.
"Do vậy giải pháp đối với lĩnh vực đất đai và hạ tầng, chúng ta tập trung tiếp tục hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn như đã đặt ra trong triển khai xây dựng, và đặc biệt là triển khai ngay những văn bản hướng dẫn để thực hiện sớm trong những ngày đầu Luật Đất đai có hiệu lực" - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Đây là điều không chỉ người dân Việt Nam mà cả các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài hết sức mong chờ và quan tâm. Bởi vì trong Luật Đất đai có nhiều điểm mới, tháo gỡ cho việc thúc đẩy khu vực đầu tư và phát triển nâng cao kim ngạch.
Lĩnh vực thứ hai mà các nhà đầu tư quan tâm và rất cần tập trung các giải pháp đột phá là nguồn nhân lực. Mặc dù trong những đề án được Thủ tướng và Chính phủ chỉ đạo và thông qua, như phấn đấu đào tạo khoảng 100.000 công nhân, người lao động cũng như kỹ sư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chíp bán dẫn, trong đó đào tạo 50.000 nhân lực riêng cho lĩnh vực chíp bán dẫn. Hai bộ là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút khẩn trương hoàn thiện đề án để trình Thủ tướng, sớm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao này.
Với các nhà đầu tư nước ngoài, quy mô lớn, họ đòi hỏi rất cao về nguồn nhân lực. Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực hết sức dồi dào, vẫn còn trong thời kỳ dân số vàng. Nhưng cần tập trung nhiều hơn vào trình độ, kỹ năng của người lao động. Đây cũng là điều Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, các bộ ngành đều phải chung tay để có thể nhanh chóng cải thiện được trình độ của người lao động Việt Nam. Thông qua đó sẽ tăng được chất lượng về tăng trưởng trong năng suất lao động.
Lĩnh vực thứ ba các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và cần tiếp tục tập trung thực hiện các đột phá là lĩnh vực thể chế. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua rất nhiều chính sách đột phá mới và có tác động tích cực đến tăng trưởng, thu hút đầu tư như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các luật khác. Hay đơn giản hơn là các quy định về xuất nhập cảnh hay các thủ tục, nội quy visa cũng tác động rất tốt đến tâm lý của nhà đầu tư khi đến Việt Nam.
Không chỉ khách du lịch mà cả nhà đầu tư cũng rất hoan nghênh chính sách đổi mới như vậy. Cái quan trọng hơn nữa cần nghiên cứu tập trung sâu hơn là những chính sách mang tính khích lệ, động viên cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có quy mô lớn để thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam, đủ mức độ hấp dẫn và tối ưu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Tựu chung lại có ba nhóm chính sách đột phá lớn cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là cải cách về thủ tục hành chính. Vấn đề này đã có Nghị quyết 02 của Chính phủ, tuy nhiên cần tiếp tục thực hiện một cách mạnh mẽ hơn nữa.