Tạo đột phá nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Trong bức tranh tổng thể của giáo dục Quảng Trị, giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Giáo dục DTTS&MN góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực là người đồng bào DTTS; góp phần hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục, tạo sự công bằng, bình đẳng trong giáo dục & đào tạo (GD&ĐT). Những kết quả mà ngành GD&ĐT Quảng Trị đạt được trong thời gian qua đều có sự đóng góp không nhỏ của giáo dục miền núi.

Bài 1: Ưu tiên các nguồn lực đầu tư giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thời gian qua, các cấp đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy giáo dục vùng DTTS&MN một cách hiệu quả, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH. Hệ thống cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT được củng cố và phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em người DTTS. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn luôn được trung ương và địa phương quan tâm. Nhờ đó, sự nghiệp GD&ĐT vùng đồng bào DTTS&MN Quảng Trị có nhiều chuyển biến tích cực.

Những ngôi trường tươi màu vôi mới

Điểm trường lẻ Mai Sơn của Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng (xã Ba Lòng, huyện Đakrông) là điểm học tập của 69 học sinh thôn Mai Sơn. Điểm trường này cách điểm chính 5,5 km. Trước đây, khi chưa được đầu tư xây dựng, học sinh phải học trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát khiến giáo viên và học sinh rất vất vả. Kể từ năm 2022, nơi đây được xây dựng mới 3 phòng học; đầu năm 2024 có thêm 2 phòng học khang trang, sạch, đẹp được đầu tư từ dự án xóa phòng học tạm, phòng học mượn.

5 phòng học mới được xây dựng ở Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng (xã Ba Lòng, huyện Đakrông) bổ sung thêm chỗ học đàng hoàng cho học sinh - Ảnh: T.L

5 phòng học mới được xây dựng ở Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng (xã Ba Lòng, huyện Đakrông) bổ sung thêm chỗ học đàng hoàng cho học sinh - Ảnh: T.L

Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng Hoàng Anh Tuấn cho biết: Trường có 1 điểm chính và 2 điểm lẻ. Từ khi có phòng học mới, sạch, đẹp, học sinh và giáo viên phấn khởi, phụ huynh rất hài lòng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục vùng khó. Hiện tại, điểm trường Mai Sơn đang tiếp tục được đầu tư xây dựng 2 phòng học bộ môn Tin học và Tiếng Anh từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình MTQG 1719). Dự kiến, khi đưa vào sử dụng thêm 2 phòng, điểm trường Mai Sơn sẽ đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.

Cùng chung niềm vui khi được dạy học ở những ngôi trường được xây khang trang, sạch, đẹp, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hướng Hóa (huyện Hướng Hóa) Hồ Thị Tư chia sẻ: Đầu năm 2023, trường được đầu tư xây dựng khu nhà hiệu bộ 2 tầng với 8 phòng chức năng, đến tháng 8/2024 khu nhà được bàn giao đưa vào sử dụng. Đây là sự động viên lớn đối với thầy và trò nhà trường. Trước đó, vì chưa có nhà hiệu bộ, trường buộc phải dùng một số phòng học bộ môn để làm việc nên khá bất tiện.

Tuy nhiên, nhà trường hiện vẫn chưa có nhà đa năng phục vụ công tác dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Nhà trường mong muốn sớm được các cấp quan tâm hơn nữa, đầu tư xây dựng nhà đa năng, góp phần giúp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Trường THPT A Túc ở huyện Hướng Hóa được đầu tư xây dựng khu phòng học 3 tầng, khối lượng thực tế hiện đạt khoảng 60% - Ảnh: T.L

Trường THPT A Túc ở huyện Hướng Hóa được đầu tư xây dựng khu phòng học 3 tầng, khối lượng thực tế hiện đạt khoảng 60% - Ảnh: T.L

Dự án xóa phòng học tạm, phòng học mượn nhằm cải tạo nâng cấp các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn và xây dựng Trường THPT Hướng Hóa (huyện Hướng Hóa) có vốn đầu tư 130 tỉ đồng. Trong đó, nội dung xóa phòng học tạm, phòng học mượn, cải tạo nâng cấp các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh có vốn đầu tư 85 tỉ đồng; phần xây dựng Trường THPT Hướng Hóa vốn đầu tư 45 tỉ đồng.

Dự án này đã cải tạo, nâng cấp 27 công trình, trong đó có 13 công trình đã triển khai xây dựng và bàn giao, đưa vào sử dụng; 14 công trình còn lại đang triển khai thiết kế bản vẽ thi công. Nội dung xây dựng Trường THPT Hướng Hóa đến nay đã hoàn thành đạt 90% khối lượng công việc. Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương giao thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025 hơn 61 tỉ đồng, từ năm 2021 đến tháng 9/2024, HĐND tỉnh đã phân bổ cho các huyện, đơn vị, chủ dự án thành phần đạt 100% kế hoạch được giao, trong đó tiến độ giải ngân đạt 65,59% số vốn được phân bổ.

Bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước kết hợp nguồn lực huy động xã hội hóa, đến nay giáo dục miền núi Quảng Trị đã xóa bỏ được phần lớn phòng học tạm, phòng học mượn. Hàng nghìn học sinh được học trong các phòng học kiên cố; hàng trăm giáo viên có chỗ ở khi dạy học ở vùng sâu, vùng xa. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu cơ bản cho Chương trình GDPT 2018. Tỉnh Quảng Trị đã xóa được “bản trắng” giáo dục. Việc ghép một số điểm trường lẻ về trường chính, bước đầu đã đạt được kết quả khả quan về chất lượng học tập của học sinh. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Đưa các chính sách hỗ trợ vào cuộc sống

Những năm qua, nhiều chính sách ưu tiên cho học sinh, giáo viên thường xuyên được các cấp rà soát, điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Bữa ăn trưa của học sinh Trường Mầm non Vĩnh Ô (xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh) - nơi có 100% học sinh người DTTS đầy đủ chất dinh dưỡng. Hiệu trưởng Trần Thị Hồng Thắm cho biết, trường có 3 điểm lẻ với 24 cán bộ, giáo viên và 116 học sinh. Hằng ngày, học sinh được nhà trường tổ chức ăn trưa bằng khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ với mức 160.000 đồng/cháu/tháng.

Bên cạnh đó, các cháu còn được nhận hỗ trợ chi phí học tập với mức 160.000 đồng/cháu/tháng. Để các bữa ăn được đầy đủ hơn, phụ huynh nộp thêm một phần cho nhà trường. Đối với giáo viên đứng lớp tại điểm lẻ Xà Lời, ngoài các khoản lương, phụ cấp thu hút như giáo viên dạy điểm chính, còn được hỗ trợ thêm 450.000 đồng/tháng để tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh. “Trong khi cuộc sống của nhiều gia đình vùng DTTS nơi đây gặp khó khăn, sự hỗ trợ của Nhà nước rất quan trọng, đảm bảo cho thế hệ trẻ tương lai được phát triển toàn diện hơn”, cô Thắm cho biết.

Tại Trường Tiểu học Linh Trường (xã Linh Trường, huyện Gio Linh), chế độ của học sinh cũng được đảm bảo theo đúng quy định. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập mỗi tháng 150.000 đồng/học sinh và được tính hỗ trợ trong 9 tháng cho mỗi năm học; được miễn học phí hoàn toàn. Theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, học sinh sống ở vùng có sông, suối, ngầm tràn, sạt lở hoặc quãng đường đến trường xa hơn 4 km được hỗ trợ mỗi tháng số tiền 50% lương cơ bản và 15 kg gạo; mỗi năm được hỗ trợ 9 tháng.

Cùng với đó, giáo viên dạy học của trường được hỗ trợ bằng chính sách thu hút với phụ cấp bằng 70% mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên. Đây chính là động lực giúp giáo viên toàn tâm, toàn ý dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Linh Trường Lê Thị Liên cho biết: Nhà nước luôn hỗ trợ kịp thời, đầy đủ để đảm bảo việc dạy học cho học sinh DTTS&MN đạt kết quả cao. Chính sách nhân văn này đã tăng thêm lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và được áp dụng với các trường.

Buổi trải nghiệm tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Kô tại Nhà văn hóa truyền thống huyện Hướng Hóa của học sinh khối 6 Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hướng Hóa - Ảnh: T.L

Buổi trải nghiệm tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Kô tại Nhà văn hóa truyền thống huyện Hướng Hóa của học sinh khối 6 Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hướng Hóa - Ảnh: T.L

Ngoài các chính sách của trung ương, tỉnh Quảng Trị đã ban hành thêm một số chính sách hỗ trợ như: quy định khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày để có chế độ hỗ trợ. Tỉ lệ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh; chính sách luân chuyển giáo viên vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn về vùng thuận lợi.

“Việc triển khai thực hiện các chính sách này đã góp phần quan trọng, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục và phổ cập giáo dục trên địa bàn miền núi ngày càng hiệu quả”, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương cho biết.

Theo đánh giá chung, các chính sách của Nhà nước đối với giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN thời gian qua được tỉnh và ngành triển khai kịp thời nên đã giải quyết phần lớn khó khăn cho vùng này. Tỉ lệ học sinh bỏ học được hạn chế ở mức thấp nhất, tạo điều kiện cho học sinh học hết cấp học và học lên cao hơn.

Năm học 2024-2025, số lượng học sinh người DTTS trên địa bàn tỉnh hơn 21.000 em ở cả 3 cấp học. Các chính sách hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã góp phần giảm bớt khó khăn về vật chất, cải thiện cuộc sống, giúp đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các chỉ tiêu về lĩnh vực giáo dục của tỉnh đã đạt và vượt so với chỉ tiêu Chương trình MTQG 1719 đề ra. Tỉ lệ học sinh ở các độ tuổi đến trường đạt: mầm non 99,92%, tiểu học đạt 99,99%, THCS đạt 98,17%, THPT đạt 82,93% và người 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 92,91%.

Tú Linh - Minh Đức

Bài 2: “Quả ngọt” từ sự học

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tao-dot-pha-nang-cao-chat-luong-giao-duc-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-190915.htm