Tạo đột phá thu hút FDI trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Nếu được triển khai bài bản, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ không chỉ cải thiện môi trường đầu tư, mà còn góp phần định vị lại bản đồ FDI của Việt Nam, hướng tới thu hút dòng vốn chất lượng cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng vốn FDI thu hút được đạt hơn 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh: Đức Thanh
Kỳ vọng cải thiện môi trường đầu tư
Theo Báo cáo Đầu tư thế giới 2025 của Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển, dòng vốn FDI toàn cầu đã giảm 11% trong năm 2024, nhưng Việt Nam lại ghi nhận mức tăng trưởng cao, duy trì cho tới nửa đầu năm 2025. Điều này cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam.
“Tổng hòa nhiều yếu tố như thể chế minh bạch, cán bộ tận tâm, pháp luật ổn định, hạ tầng đồng bộ và đối thoại cởi mở, chính là chìa khóa để cải cách chính quyền địa phương 2 cấp thực sự tạo bứt phá trong thu hút FDI”. Ông Pham Quang Long - Giám đốc kinh doanh Công ty Allied Movers (Hoa Kỳ)
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng vốn FDI (bao gồm vốn mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần) đạt hơn 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2009, phản ánh sức hấp dẫn mạnh mẽ và niềm tin ngày càng tăng của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư Việt Nam. Sự gia tăng này được hỗ trợ bởi các yếu tố như vị trí chiến lược của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các hiệp định thương mại tự do, tốc độ tăng trưởng kinh tế...
Đặc biệt, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025 được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư. Từ góc độ doanh nghiệp FDI, ông Phạm Quang Long - Giám đốc kinh doanh Công ty Allied Movers (Hoa Kỳ) tại Việt Nam chia sẻ, việc Việt Nam chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là một bước ngoặt thể chế có ý nghĩa lịch sử. Cải cách này kỳ vọng tinh gọn bộ máy, phân định rõ chức năng giữa các cấp, qua đó nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước tại địa phương, đặc biệt là củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào một môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng hơn.
Chia sẻ với phóng viên, TS. Đặng Thảo Quyên - Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Kinh doanh quốc tế (Đại học RMIT Việt Nam) cũng bày tỏ sự kỳ vọng vào việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ cải thiện đáng kể môi trường đầu tư tại Việt Nam. Mô hình này nhằm giảm bớt sự phân chia hành chính, làm cho quy trình phê duyệt dự án nhanh hơn và đồng bộ hơn, từ đó giảm chi phí giao dịch và thời gian cho các nhà đầu tư.
“Nếu được triển khai bài bản, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ không chỉ cải thiện môi trường đầu tư, mà còn góp phần định vị lại bản đồ FDI của Việt Nam, hướng tới thu hút dòng vốn chất lượng cao, công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường” - bà Quyên khẳng định.
Đơn giản hóa thủ tục và chuyển đổi số sâu rộng
Theo TS. Đặng Thảo Quyên, để việc cải cách mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thực sự tạo đột phá trong thu hút FDI, trước hết, Việt Nam cần chuẩn hóa quy trình hành chính và số hóa dịch vụ công. Theo đó, chính quyền địa phương 2 cấp cần vận hành trên nền tảng số hóa, minh bạch và thống nhất quy trình xử lý hồ sơ đầu tư. Việc triển khai hệ thống một cửa điện tử liên thông giữa các cấp sẽ giúp giảm thời gian, chi phí và tăng tính dự đoán cho nhà đầu tư.
Tiếp đó, cần tập trung vào nâng cao năng lực cán bộ địa phương. Cán bộ cấp xã và cấp tỉnh cần được đào tạo bài bản về quản lý đầu tư, pháp lý quốc tế và xúc tiến đầu tư. Việc này giúp đảm bảo tính chuyên nghiệp và khả năng hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt vòng đời dự án.
Bà Thảo Quyên cũng lưu ý việc phân quyền hợp lý và giám sát hiệu quả. Theo đó, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cần đi kèm với cơ chế phân quyền rõ ràng, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Mặt khác, cần có hệ thống giám sát độc lập để đảm bảo trách nhiệm giải trình và phòng, chống tham nhũng.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Quang Long cho rằng, thành công của mô hình mới phụ thuộc vào sự rõ ràng, nhất quán trong thực thi chính sách từ Trung ương xuống địa phương và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở. Do đó, Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, tránh chồng chéo trách nhiệm, để mọi cấp hiểu rõ quyền hạn của mình.
Đồng thời, tiếp tục cập nhật, cải cách các quy định pháp luật liên quan (đất đai, đầu tư, xây dựng) cho phù hợp với mô hình 2 cấp. Song song với đó, các địa phương phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sau sáp nhập, đảm bảo họ đủ năng lực quản trị và phục vụ nhà đầu tư một cách chuyên nghiệp. "Khi thể chế đồng bộ và cán bộ đủ tầm, mô hình mới mới phát huy hiệu quả tối đa" - ông Long nói.
Cũng theo ông Phạm Quang Long, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tạo điều kiện rút gọn các tầng nấc trung gian, do đó, phải tận dụng để đơn giản hóa quy trình thủ tục hơn nữa. Đặc biệt, trong các khâu cấp phép đầu tư, phê duyệt dự án, nên phân cấp mạnh và xóa bỏ tình trạng một hồ sơ “chạy lòng vòng” qua nhiều cấp. Việc phân quyền xuống cấp cơ sở được kỳ vọng rút ngắn thời gian xử lý và giảm chi phí phát sinh do chậm trễ cho nhà đầu tư.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý hành chính như hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, áp dụng hệ thống cấp phép điện tử… Những nỗ lực này giúp tăng khả năng tiếp cận thông tin, hạn chế dư địa cho can thiệp chủ quan của cán bộ thi hành công vụ. Nói cách khác, minh bạch và hiệu quả sẽ được nâng lên tầm mức mới, xóa bỏ dần những rào cản thủ tục từng cản trở nhà đầu tư.
Phát triển hạ tầng và đối thoại với nhà đầu tư
TS. Đặng Thảo Quyên cũng cho rằng, để kỳ vọng về chính quyền địa phương 2 cấp trở thành đột phá thực sự trong thu hút FDI, cần phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP). Đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, logistics, năng lượng và khu công nghiệp để hỗ trợ các dự án FDI, giúp giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả kinh doanh. Chính phủ có thể khuyến khích các dự án PPP để phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng, giúp thu hút thêm vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, tăng tốc việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh làm động lực cho sự phát triển.
Ngoài hạ tầng, theo ông Phạm Quang Long, cần chú ý đối thoại với nhà đầu tư. Cải cách bộ máy hành chính cần song hành với cải thiện hạ tầng cứng và mềm hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông phân tích, sau khi sáp nhập, quy hoạch đô thị, đất đai có thể thay đổi, địa phương cần chủ động cập nhật, công bố thông tin quy hoạch nhất quán, đồng thời đầu tư hoàn thiện hạ tầng thiết yếu (giao thông đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ công ích) để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư hiện đại. Mặt khác, với quyền tự chủ cao hơn, các tỉnh có thể chủ động đưa ra ưu đãi về thuế, đất đai, phát triển hạ tầng phù hợp để thu hút dự án mới. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh chính sách tích cực giữa các địa phương, thúc đẩy mỗi nơi nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, để đạt kết quả như mong muốn, cần đảm bảo cơ chế phối hợp và đối thoại thường xuyên giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Lãnh đạo địa phương nên thiết lập kênh tiếp nhận phản hồi nhà đầu tư, định kỳ gặp gỡ doanh nghiệp FDI để lắng nghe, vướng mắc, để hiểu rõ điểm cần khắc phục và nhà đầu tư cũng thêm tin tưởng vào thiện chí cải cách của địa phương.