Doanh nghiệp chủ động chuyển đổi xanh, giảm phát thải
Các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất sản phẩm tái chế sẽ được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí và hỗ trợ thương mại.
HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động tái chế rác thải bằng công nghệ hiện đại. Theo đó, các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất sản phẩm tái chế sẽ được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí và hỗ trợ thương mại. Đây được xem là cú hích để các doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi xanh, hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp giải pháp hạ tầng nhựa HDPE tại Việt Nam, dòng nhựa có thể tái chế sử dụng nhiều lần, chuyển đổi sản xuất từ rác thải,…đại diện STP Group cho biết, nếu như trước đây, doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực tái chế sẽ phải chứng minh năng lực hay đáp ứng quy định đánh giá Tác động Môi trường thì hiện nay dễ dàng hơn rất nhiều, đem lại cơ hội phát triển rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám Đốc STP Group cho hay: "Luật Thủ đô và nhiều quy định đưa ra trong tháng 7 của Thủ đô đều là những chủ trương cho doanh nghiệp được hỗ trợ về cơ chế, chính sách vay vốn, cấp mặt đất để doanh nghiệp tái tạo lại nguồn nhựa sản xuất các ống nhựa phục vụ thoát nước, lan can giao thông, các vật dụng tập thể dụng thể thao công cộng,… nhựa HDPE có thể hỗ trợ rất nhiều trong đời sống nhưng nước ta chưa tận dụng như các nước khác".
Còn theo giới chuyên gia, áp lực không chỉ đến từ quy định pháp luật mà ngày càng rõ nét hơn mà các nhà nhập khẩu lớn tại EU, Mỹ, Nhật Bản đều yêu cầu doanh nghiệp minh bạch thông tin về dấu chân carbon, báo cáo khí nhà kính và thực hành ESG,… Do đó, chủ động nắm bắt sản xuất xanh sớm không chỉ giúp doanh nghiệp hưởng ưu đãi mà còn tăng cơ hội cạnh tranh.
TS Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết: "Với lợi thế của người đi đầu, chúng ta có thể tranh thủ nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức hỗ trợ và tiếp cận thị trường bởi vì nếu bây giờ chúng ta có các chứng chỉ xanh, ESG hoặc chứng chỉ thân thiện của sản phẩm,… rõ ràng sẽ tạo lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp còn sau này khi tất cả đều làm rồi thì nó sẽ trở thành chi phí bắt buộc".
Theo số liệu phát thải CO2 bình quân đầu người, mức phát thải của Việt Nam hiện ở mức khoảng 5 tấn/người/năm, thuộc nhóm thấp so với nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, nếu Việt Nam tiếp tục phát triển theo mô hình cũ, phát thải trên đầu người sẽ còn tăng khi quy mô sản xuất mở rộng. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy nhiều quốc gia đã đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế; đồng thời giảm phát thải. Điều này chứng minh rằng việc vừa tăng trưởng cao vừa giảm phát thải không phải là điều bất khả thi.