Tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Thời gian qua, khi đất nước đang tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao, thì nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM - bao gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học trở nên ngày càng cấp thiết. Do đó, nhiệm vụ nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực và đào tạo nhân tài là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu cốt lõi của ngành giáo dục.

Bộ GDĐT đang xây dựng Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược. Ảnh: ST

Bộ GDĐT đang xây dựng Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược. Ảnh: ST

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, quy mô đào tạo đại học chính quy năm 2024 tăng so với năm 2023; riêng lĩnh vực STEM tăng 10,6%, tương đương hơn 60.000 sinh viên. Toàn hệ thống có 218 cơ sở đào tạo (trong đó có 158 công lập, 60 tư thục) tham gia đào tạo các ngành STEM. Tổng số sinh viên tuyển mới năm 2024 là hơn 218.000, chiếm khoảng 36% tổng số sinh viên tuyển sinh trên toàn quốc. Điều này cho thấy các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang tạo hiệu ứng tích cực đối với người học.

Đặc biệt, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 - một chương trình đang khuyến khích học sinh theo đuổi các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, tận dụng thế mạnh của học sinh Việt Nam, nhất là trong môn Toán.

Ở bậc sau đại học, năm 2024, số lượng học viên ngành STEM tiếp tục tăng mạnh: Trình độ thạc sĩ tăng 34%, đạt gần 20.000 học viên; trình độ tiến sĩ tăng 33% với gần 4.000 nghiên cứu sinh, tăng khoảng 600 so với năm 2023. Đây là những tín hiệu rất tích cực, cho thấy sự phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn nhân lực STEM trong thời gian tới.

Đáng chú ý, ngay trong năm học 2024-2025, đã có khoảng 19.000 sinh viên nhập học các ngành phù hợp với lĩnh vực bán dẫn, chiếm khoảng 10% tổng số sinh viên theo học ngành STEM.

Đến nay, cả nước có 166 cơ sở đào tạo các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn, trong đó 97 cơ sở đào tạo trực tiếp các ngành này (gồm 66 trường công lập và 31 trường tư thục). Nhiều trường ngoài công lập như: Đại học CMC, Đại học Phenikaa, FPT... cũng tích cực tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.

Để bảo đảm chất lượng đào tạo, Bộ GDĐT đã thành lập Hội đồng tư vấn và Hội đồng thẩm định Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ về vi mạch bán dẫn. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 1314/QĐ-BGDĐT ngày 13/5/2025, công bố Chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ ngành vi mạch bán dẫn.

Hiện Bộ đang khẩn trương xây dựng và sẽ sớm ban hành Chuẩn chương trình đào tạo tài năng trong lĩnh vực STEM để triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035, định hướng đến năm 2045.

Đồng thời, Bộ GDĐT cũng đang xây dựng Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược; dự kiến trình Chính phủ trong tháng 7/2025…/.

PHƯƠNG LAN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tao-dot-pha-trong-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-41483.html