Tạo đột phá trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
Trong thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Chính phủ và các ban, bộ, ngành T.Ư về tình hình thực hiện các nghị quyết của T.Ư về giáo dục và đào tạo; chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học, Tổng Bí thư thống nhất chủ trương các trường tiểu học, THCS dạy học 2 buổi mỗi ngày tùy theo điều kiện từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên.

Học sinh lớp 9 tại Hà Nội trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2024. Ảnh: Phạm Hùng
Mở ra hướng đi nhất quán
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ điều kiện để dạy 2 buổi/ngày miễn phí ở bậc tiểu học, THCS, đồng thời hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh những cấp này ở các xã biên giới. Thời gian thực hiện từ năm học 2025-2026. Theo Tổng Bí thư, chủ trương này cần có lộ trình thực hiện từng bước, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư chính và khuyến khích xã hội hóa. Việc dạy học 2 buổi/ngày đảm bảo không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật, đảm bảo cho học sinh phát triển toàn diện.
Tổng Bí thư giao Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục để các trường tiểu học, THCS dạy học 2 buổi/ngày. Thời gian thực hiện từ năm học 2025-2026. Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc các trường tiểu học, THCS dạy học 2 buổi/ngày không thu phí từ năm học 2025 - 2026 cùng với yêu cầu chuẩn bị các điều kiện bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục mở ra hướng đi nhất quán trong việc thực hiện mô hình này, thay vì mỗi nơi một cách như hiện nay.
Kể từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học là bắt buộc nên hầu hết các địa phương đều tiệm cận ở mức 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, ở cấp THCS thì việc này phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thực tế và sự chủ động của mỗi địa phương.
Tại Hà Nội, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt gần 100%, nhưng ở cấp THCS tỷ lệ này thấp và có sự chênh lệch giữa các quận, huyện. Có 3 khó khăn căn bản nhất đối với cấp THCS khi triển khai dạy 2 buổi/ngày. Thứ nhất là thiếu phòng học, thứ hai là thiếu giáo viên một số môn để đủ tỷ lệ dạy 2 buổi/ngày như quy định. Thứ ba là chưa có hướng dẫn cụ thể về chương trình dạy buổi 2 trong bối cảnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điểm qua một số quận tại Hà Nội, quận Ba Đình mới chỉ có 55% số học sinh của 13 trường THCS được học 2 buổi/ngày; quận Hai Bà Trưng khoảng 50% số học sinh; quận Cầu Giấy chỉ tổ chức dạy 2 buổi/ngày được cho học sinh khối 6, 7 của 7/11 trường THCS…
Hiện nay, những trường THCS ở nội thành Hà Nội tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được thu 2 khoản học phí. Thứ nhất là học phí thu theo quy định Nhà nước là 155.000 đồng/tháng/học sinh. Thứ hai là tiền học 2 buổi/ngày thực hiện theo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đối với dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD&ĐT tại cơ sở giáo dục công lập là 235.000 đồng/học sinh/tháng. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày không thu phí, có nghĩa sẽ không còn 2 khoản thu này.
Cần có hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời
Nhiều ý kiến của các nhà quản lý giáo dục cũng cho rằng, việc Tổng Bí thư chỉ đạo rõ ràng về việc miễn học phí tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cả ở cấp tiểu học và THCS sẽ giải tỏa được băn khoăn này, khi không thu của phụ huynh thì ngân sách Nhà nước sẽ cấp đúng, cấp đủ để đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là với cả những nơi dạy học 2 buổi/ngày.
Khi chỉ đạo về việc miễn học phí và khuyến khích tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu phải chú trọng phát triển toàn diện cho học sinh, trong đó có các môn nghệ thuật, âm nhạc, thể thao, kỹ năng… Nhiều chuyên gia và phụ huynh rất tâm đắc với chỉ đạo này, bởi lâu nay giáo dục trong trường công lập chưa thực sự chú trọng đến sự phát triển toàn diện của học sinh. Mỹ thuật và âm nhạc không phải chỉ dành cho học sinh có năng khiếu mà là sự trang bị “sức khỏe tinh thần” cho học sinh. Biết chơi nhạc cụ, thể dục, vẽ… các em sẽ bớt thời gian lên mạng xã hội, chơi game.
Hiệu phó một trường THCS tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, để thực hiện được chỉ đạo của Tổng Bí thư thì phải là những trường có điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo. Điều thứ 2, chủ trương nói là tổ chức dạy 2 buổi/ngày miễn phí nhưng lại có xã hội hóa. Những môn như năng khiếu, nghệ thuật, thể thao... đương nhiên phải có sự đồng tình, ủng hộ, xã hội hóa của phụ huynh. Hiện tại chưa có hướng dẫn buổi 2 là dạy những gì nên nhà trường vẫn chờ văn bản hướng dẫn.
Rất nhiều trường đang thiếu cơ sở vật chất và có thể sẽ cần thêm đội ngũ giáo viên hoặc thêm kinh phí chi trả ngoài giờ cho giáo viên cùng với đó là các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cho việc học, ví dụ như nhạc cụ. Ngoài ra, do thời lượng dạy tăng lên nên số tiết dạy của giáo viên tăng. Vì vậy, các trường cần thêm giáo viên hoặc các giáo viên hiện có sẽ phải tăng tiết ngoài giờ.
Một lý do nữa khiến tỉ lệ học 2 buổi/ngày ở cấp THCS ở Hà Nội vẫn thấp là vấn đề tài chính. Theo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội trước đây, mức học phí thu hỗ trợ học buổi 2 đối với học sinh THCS là 235.000 đồng/em/tháng. Khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày không thu phí thì sẽ không còn khoản thu này, vì thế cần có giải pháp bù đắp chi phí để tháo gỡ khó khăn cho các trường. Nếu dạy 2 buổi không thu phí thì các trường sẽ phải tính toán lấy tiền từ ngân sách Nhà nước để chi trả cho giáo viên. Trên thực tế, các giáo viên đã dạy chính khóa đủ tiết, nếu dạy thêm buổi chiều thì không thể không trả tiền công. Việc dùng ngân sách Nhà nước để chi trả khoản này sẽ đồng nghĩa tiền chi cho thu nhập tăng thêm cuối năm bị giảm…
Việc học 2 buổi/ngày không phải là hoạt động mới trong giáo dục. Với nhiều nước trên thế giới, khi có đủ điều kiện thì đều tổ chức học 2 buổi/ngày và Việt Nam cũng có những điều kiện như vậy. Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định rõ việc dạy học 2 buổi/ngày bắt buộc ở cấp tiểu học, cấp THCS, THPT chương trình được thiết kế dạy học 1 buổi/ngày. Chúng ta nhìn nhận là dạy học 2 buổi/ngày khi có đủ điều kiện. Việc học 2 buổi/ngày có mục tiêu là đảm bảo thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông, giảm áp lực cho học sinh và được tổ chức một cách quy củ bài bản bởi những người am hiểu về hoạt động giáo dục, dạy học và hình thành cho học sinh phẩm chất năng lực, các kỹ năng phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng