Tạo dư địa cho các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế
Dấu ấn quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của nước ta năm 2023 là kiểm soát lạm phát thành công.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Trong bối cảnh thị trường hàng hóa trong và ngoài nước có nhiều biến động cũng như chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 của nước ta ở mức 3,25%, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 4,5% đặt ra.
Đây là dư địa để Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2024.
Chỉ số giá nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất
Phóng viên (PV): Những tháng đầu năm 2023, áp lực lạm phát rất lớn. Vậy theo bà, những yếu tố nào giúp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát?
Bà Nguyễn Thị Hương: Tháng 1-2023, CPI tăng cao với 4,89%, áp lực lạm phát rất lớn nhưng sau đó đã giảm dần. Đến tháng 6, mức tăng CPI chỉ còn 2%, đến tháng 12 tăng 3,58%, bình quân cả năm 2023, CPI ở mức 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Việc kiểm soát thành công lạm phát tạo dư địa rất lớn trong điều hành tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Có được kết quả như vậy là do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong năm, nhiều giải pháp được triển khai tích cực như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1-7-2023; giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; gia hạn visa cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung bảo đảm. Giá một số mặt hàng giảm theo giá thế giới cũng góp phần giảm áp lực lạm phát như giá xăng, dầu bình quân năm 2023 giảm 11,02% so với năm 2022, giá gas giảm 6,94%. Vì vậy, năm 2023, Việt Nam đã thành công trong kiểm soát lạm phát.
PV: Ở chiều ngược lại, đâu là những yếu tố đã đẩy CPI năm 2023 tăng lên, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: Những yếu tố làm tăng CPI trong năm 2023 phải kể đến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,44% so với năm trước do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm.
Tiếp đến, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,24 điểm phần trăm, do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, cùng với đó là giá thuê nhà ở tăng cao. Bên cạnh đó, CPI năm 2023 chịu tác động từ chỉ số giá nhóm lương thực, nhóm điện sinh hoạt, nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm thuốc và dịch vụ y tế...
Tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý
PV: Theo bà, áp lực lạm phát năm 2024 sẽ tập trung ở những yếu tố nào?
Bà Nguyễn Thị Hương: Có thể thấy, giá nguyên, vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.
Bên cạnh đó, đồng đô-la Mỹ tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục cũng sẽ tác động làm tăng CPI. Giá điện có thể tiếp tục được điều chỉnh tăng khi nguyên liệu đầu vào như xăng, dầu, than đều đang ở mức cao.
Việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7-2024 sẽ kéo theo giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên. Giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị, đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp lễ, tết. Thiên tai, dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI...
Bên cạnh những yếu tố có khả năng tạo áp lực lên lạm phát cũng có những yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng, dầu, giảm thuế VAT tiếp tục được thực hiện trong năm 2024.
PV: Theo bà, cần những giải pháp gì để hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 ở mức 4-4,5% mà Quốc hội đã đề ra?
Bà Nguyễn Thị Hương: Trước hết, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo những nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Xây dựng, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Sớm lên phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong phối hợp chính sách.
Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
VŨ DUNG (ghi)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.