Tạo dựng 'đồng vốn' niềm tin của nhà đầu tư
Niềm tin của nhà đầu tư là 'đồng vốn vô hình' nuôi dưỡng thị trường chứng khoán. Minh bạch thông tin và quản trị doanh nghiệp là chìa khóa để 'đồng vốn' đó được bền vững, song hành cùng sự phát triển của thị trường.
Để thị trường chứng khoán vận hành hiệu quả và bền vững, yếu tố then chốt không thể thiếu chính là tính minh bạch trong công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp.
Minh bạch không chỉ là "tấm gương phản chiếu" sức khỏe tài chính và đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp mà còn là cơ sở tạo dựng niềm tin nơi nhà đầu tư - đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, vốn chiếm phần lớn thị phần tại Việt Nam.
Nhà đầu tư bị thử thách bởi "bóng mờ" thông tin
Trong vài năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến các các vụ việc vi phạm nghiêm trọng về công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp được đưa ra ánh sáng, xử lý theo quy định pháp luật hình sự, thay vì chỉ xử phạt vi phạm hành chính.
Một trong những ví dụ điển hình là vụ việc của Tập đoàn FLC và ông Trịnh Văn Quyết - khi các giao dịch "bán chui" cổ phiếu diễn ra mà không hề có báo cáo hay công bố thông tin theo quy định, khiến hàng loạt nhà đầu tư bị thiệt hại nghiêm trọng.
Sau cú sốc này, Tập đoàn FLC tiếp tục rơi vào vòng xoáy khó khăn khi không thể tìm được đơn vị kiểm toán cho báo cáo tài chính năm 2021 và các năm sau đó. Hệ quả là hàng triệu cổ phiếu của FLC và các doanh nghiệp liên quan rơi vào diện đình chỉ giao dịch, mất thanh khoản, ảnh hưởng nặng nề đến cổ đông.

Việc xử lý hình sự vụ thao túng chứng khoán như vụ ông Trịnh Văn Quyết tại tập đoàn FLC giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Có thể kể đến CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), doanh nghiệp từng được biết đến rộng rãi trên sàn chứng khoán, nhưng đến năm 2023 lại bị đình chỉ giao dịch do không công bố được báo cáo tài chính kiểm toán đúng hạn, dù đã liên hệ với hơn 30 đơn vị kiểm toán nhưng đều bị từ chối hợp tác.
Thực trạng này không chỉ cho thấy vấn đề trong kiểm soát nội bộ doanh nghiệp, mà còn đặt ra dấu hỏi lớn về chất lượng quản trị và mức độ tuân thủ pháp lý của các công ty niêm yết.
Theo bà Trần Thị Lan Anh - Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trên con đường phát triển mạnh mẽ với mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025.
Tuy nhiên, tính minh bạch trên thị trường vẫn còn nhiều thách thức và cần được cải thiện hơn nữa để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
So với trước đây, các quy định về công bố thông tin đã được cải thiện đáng kể do những nỗ lực của các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán... Thế nhưng, một số vấn đề về minh bạch thông tin vẫn tồn tại, đặc biệt khi so sánh với các thị trường phát triển hơn.
Mặc dù các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam buộc phải công bố báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, nhưng chất lượng báo cáo đôi khi chưa đạt chuẩn.
"Một số doanh nghiệp vẫn sử dụng các thủ thuật kế toán để "làm đẹp" số liệu, điều này ảnh hưởng lớn đến tính minh bạch của thông tin, cũng như uy tín của doanh nghiệp với các nhà đầu tư", bà Lan Anh chỉ ra thực trạng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng công khai các thông tin quản trị quan trọng như quyết định của HĐQT, giao dịch của cổ đông lớn hay thù lao lãnh đạo, khiến niềm tin nhà đầu tư bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, cần ngăn chặn tuyệt đối việc lộ thông tin doanh nghiệp, hay còn gọi là giao dịch nội gián. Việc này tạo nên sự bất công cho toàn bộ các bên tham gia trên thị trường, ảnh hưởng đến cung - cầu tại một số thời điểm.
Để làm được điều này, bà Lan Anh cho rằng nâng cao năng lực giám sát và xử lý vi phạm. Trên quan điểm của bà, việc phát hiện và xử phạt hành vi giao dịch nội gián, thao túng giá và vi phạm quy định về công bố thông tin cần được thực hiện quyết liệt hơn.
Thị trường Mỹ, thông qua Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC), có các cơ chế giám sát nghiêm ngặt và xử phạt nặng các vi phạm, điều này giúp tăng cường niềm tin vào thị trường.
Bài toán giữ vững lòng tin của nhà đầu tư
Trong một thị trường chứng khoán đầy biến động, việc duy trì lòng tin của nhà đầu tư là yếu tố then chốt giúp một công ty chứng khoán hoạt động hiệu quả và bền vững.
Để đạt được điều này, các công ty chứng khoán cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp lý, đồng thời triển khai các hệ thống kiểm soát nội bộ và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư một cách hiệu quả.
Ông Trương Thái Đạt - Giám đốc Khối Phân tích CTCK DSC nhấn mạnh rằng việc công bố thông tin đúng hạn và đầy đủ không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn là nền tảng để xây dựng lòng tin lâu dài với nhà đầu tư.
DSC đã đầu tư vào hệ thống quản trị thông tin và tài chính hiện đại, tự động hóa quy trình lập báo cáo để hạn chế sai sót và đảm bảo tính minh bạch. Song song đó, hệ thống kiểm soát nội bộ cũng được tăng cường nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả và tuân thủ pháp luật.

Việc xử lý hình sự vụ thao túng chứng khoán như vụ ông Trịnh Văn Quyết tại tập đoàn FLC giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Để nhà đầu tư cảm thấy an toàn hơn khi tham gia thị trường, DSC đề xuất nên gia tăng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại), nhằm thu hút nguồn vốn chất lượng cao và thúc đẩy áp dụng các thông lệ quản trị quốc tế. Sự tham gia của các cổ đông chiến lược nước ngoài cũng giúp tăng cường giám sát và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ tốt hơn.
Ngoài ra, thanh khoản thị trường cũng cần được cải thiện. Một số quốc gia phát triển đã áp dụng cơ chế nhà tạo lập thị trường để duy trì thanh khoản, giúp giá cổ phiếu phản ánh chính xác giá trị thực, từ đó bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư trước biến động giá bất hợp lý.
Theo nghiên cứu thị trường, thanh khoản cao thường đi đôi với sự ổn định giá, từ đó bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động như hiện nay.
Thiết lập sân chơi lành mạnh
Trước thực tế thị trường tài chính - chứng khoán Việt Nam đang ngày một thu hút dòng tiền từ công chúng, áp lực giám sát và minh bạch hóa thị trường đang đè nặng lên vai cơ quan quản lý.
Việc thiết lập một "sân chơi" lành mạnh, hạn chế hành vi đầu cơ, thao túng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận định những hành vi gây rối loạn thị trường cần được phát hiện và ngăn chặn ngay từ sớm, thay vì chỉ xử lý khi hậu quả đã xảy ra.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy hệ thống giám sát vẫn thiếu hiệu quả - nhiều vi phạm chỉ bị phanh phui khi đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư và làm lung lay niềm tin vào thị trường.
"Việc chuyển hướng xử lý từ vi phạm hành chính sang hình sự đối với các vụ thao túng chứng khoán như vụ ông Trịnh Văn Quyết hay nhóm Louis tuy nhằm răn đe, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro làm tổn hại đến sự ổn định của toàn thị trường. Trong một thị trường vận hành dựa trên niềm tin, hình sự hóa quá mức lại trở thành con dao hai lưỡi", ông Nghĩa nói.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận định những hành vi gây rối loạn thị trường cần được phát hiện và ngăn chặn ngay từ sớm.
Thay vào đó, chuyên gia này đề xuất giải pháp chế tài kinh tế đủ mạnh để ngăn chặn ngay từ gốc, phạt tiền thật nặng đối với các hành vi vi phạm. Ông nhấn mạnh, số tiền phạt có thể sung vào công quỹ, vừa mang tính răn đe, vừa phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội thiết thực.
Quan trọng hơn, một khi mức phạt được thiết kế đủ nặng và thực thi nghiêm minh, nó sẽ tạo ra rào chắn hiệu quả ngăn chặn hành vi sai trái ngay từ giai đoạn đầu.
Cũng theo ông Nghĩa, để bảo vệ thị trường tốt hơn, cần để Ủy ban Chứng khoán hoạt động như một cơ quan độc lập - có đủ thẩm quyền điều tra và xử lý vi phạm hành chính, thay vì chỉ đóng vai trò trung gian chuyển hồ sơ sang cơ quan công an như hiện nay.
"Thị trường chứng khoán có tính đặc thù cao, cần những người có chuyên môn sâu xử lý mới đúng người, đúng tội", vị chuyên gia nêu quan điểm.