Tạo dựng khung pháp lý chung cho dòng chảy thông tin và giao dịch điện tử
Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sáng 9.3, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, việc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin, dịch vụ nội dung thông tin trên mạng internet trong hoạt động thương mại điện tử đang được điều chỉnh khá toàn diện. Những luật mới xây dựng cần tập trung tạo dựng khung pháp lý chung cho dòng chảy thông tin và giao dịch điện tử, chứ không nên đi sâu điều chỉnh các quan hệ xã hội, giao dịch và dịch vụ trong lĩnh vực chuyên ngành.
Hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại điện tử
Bộ Công thương được Chính phủ giao là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về thương mại điện tử (TMĐT), có chức năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các chiến lược, kế hoạch, chương trình quốc gia về phát triển TMĐT, đồng thời tổ chức thực hiện những văn bản này.
TMĐT chỉ là một phương thức tiến hành của hoạt động thương mại nói chung. Về bản chất, pháp luật TMĐT chủ yếu điều chỉnh những vấn đề mang tính đặc thù của giao dịch điện tử như trách nhiệm cung cấp thông tin, quy trình giao kết hợp đồng, các mô hình hoạt động của website/ứng dụng TMĐT... Đối tượng tham gia TMĐT ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật về TMĐT còn phải tuân thủ các nghĩa vụ khác về thuế, về bảo vệ người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật liên quan.
“Lĩnh vực kinh tế số có phạm vi mang tính chất bao trùm các hoạt động kinh tế liên quan đến rất nhiều ngành kinh tế - kỹ thuật thông tin và truyền thông, công an, thuế, ngân hàng... Bộ Công thương cần có nghiên cứu, đề xuất cụ thể phạm vi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ phù hợp trong mối tương quan với các Bộ, ngành khác”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương
Theo báo cáo, hoạt động TMĐT hiện nay được điều chỉnh bởi 3 luật khung là Luật Thương mại năm 2005, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Luật Công nghệ thông tin năm 2006. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16.5.2013 của Chính phủ về TMĐT đã cụ thể hóa các quy định tại ba luật này, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động TMĐT phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam suốt thời gian qua.
Mặt khác, trong giai đoạn 2014 - 2018, để làm rõ các quy định tại Nghị định 52, Bộ Công thương cũng đã ban hành 3 Thông tư hướng dẫn, gồm: Thông tư hướng dẫn số 47/2014/TT-BCT ngày 5.12.2014 quy định về quản lý website thương mại điện tử; Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31.12.2015 quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động; và Thông tư 21/2018/TT-BCT ngày 20.8.2018 sửa đổi một số điều của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 5.12.2014 quy định về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31.12.2015 quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động.
Để đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT trong bối cảnh mới, Bộ Công thương đã thực hiện nghiên cứu, rà soát và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25.9.2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (Nghị định 85). Nghị định 85 chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, nhằm khắc phục những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động thương mại điện tử gần đây như: (i) Vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên môi trường điện tử; (ii) Hoạt động TMĐT trên mạng xã hội đang bùng nổ và khó kiểm soát; (iii) Khó khăn trong quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài; (iv) Khó khăn trong việc quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công thương phối hợp với các đơn vị ngoài Bộ xây dựng các văn bản liên quan đến lĩnh vực TMĐT và phát triển kinh tế số như quy định về quản lý và sử dụng thông tin trên internet, về an toàn thông tin và an ninh mạng, quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu qua TMĐT, quy định về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT…
Tránh chồng chéo trong các quy định pháp luật
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, việc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin, dịch vụ nội dung thông tin trên mạng internet hoạt động trong TMĐT đang được điều chỉnh khá toàn diện. Bên cạnh đó, việc quản lý thông tin và giao dịch điện tử gắn với chức năng quản lý nhà nước của tất cả bộ, ngành và địa phương, do quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Về mặt nguyên tắc, công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực chuyên ngành sẽ được áp dụng thống nhất và nhất quán, không phân biệt đối tượng quản lý tiến hành hoạt động trên môi trường truyền thống hay trực tuyến. Văn bản pháp luật trong từng lĩnh vực chuyên ngành (như TMĐT, thanh toán trực tuyến, dịch vụ vận tải…) cũng sẽ có những quy định phù hợp với đặc thù của các loại hình dịch vụ này khi triển khai trong môi trường trực tuyến, bảo đảm tính thống nhất với yêu cầu quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể.
Việc xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản luật về thông tin điện tử, giao dịch điện tử, về công nghệ số, chuyển đổi số… là cần thiết, nhưng theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, cần hết sức thận trọng để tránh chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện có, đặc biệt là pháp luật chuyên ngành. Những luật mới xây dựng cần tập trung tạo dựng khung pháp lý chung cho dòng chảy thông tin và giao dịch điện tử, chứ không đi sâu vào điều chỉnh các quan hệ xã hội, giao dịch và dịch vụ trong lĩnh vực chuyên ngành.
Hiện tại, Bộ Công thương được giao nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công thương xác định một trong các nhóm chính sách cơ bản có liên quan đến quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cần hoàn thiện là các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế.
Trong hoạt động phối hợp thực thi pháp luật về TMĐT, Bộ Công thương kiến nghị xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành lực lượng phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến thương mại điện tử, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử giữa các lực lượng thực thi pháp luật; tăng cường năng lực thống kê về thương mại điện tử ở cấp quốc gia, ngành hàng và địa phương.
UBND các tỉnh, thành phố cần nâng cao năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật về thương mại điện tử tại các địa phương thông qua việc thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử, trang bị phương tiện hiện đại để hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm các hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến…