Tạo dựng lòng tin
Niềm tin không phải là thứ để ban phát mà cần được tạo dựng trong lòng dân.
Cả nước vui mừng chuẩn bị kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2023). Thực tiễn cách mạng Việt Nam gần 93 năm qua đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, để củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân với Ðảng, đòi hỏi Ðảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn.
Sức nóng công cuộc "đốt lò"
Chưa bao giờ "ngọn lửa" chống tham nhũng do Ðảng phát động với "người cầm lái" vững vàng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tập thể lãnh đạo Bộ Chính trị, được thổi bùng lên như thời gian qua. Ðây là cuộc chiến sinh tử để bảo vệ chế độ, xây dựng lòng tin ở người dân trong bối cảnh nhiều thói hư tật xấu của một số cán bộ đảng viên, các mặt tiêu cực trong xã hội ngày càng bộc lộ tưởng chừng lấn át cái tốt, người tốt.
Trong bối cảnh chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy tuổi, chạy dự án, chạy thanh tra, chạy huân chương... vẫn còn xảy ra. Nhiều thủ đoạn tham nhũng, hối lộ tinh vi, liên quan người có chức, có quyền bị cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử đưa ra ánh sáng. Có thể thấy nhiều tin tức về khởi tố, bắt giam nóng như lửa đốt nhưng không gây bất an, không làm u ám bầu không khí xã hội, không làm nhụt chí người tâm huyết, trách nhiệm, mà ngược lại đang tạo dựng niềm tin vững chắc cho cán bộ, đảng viên và đông đảo người dân vào quyết tâm phòng chống tham nhũng của Ðảng, tin tưởng vào bộ máy thực thi pháp luật của nhà nước.
Một cuộc chiến trước kẻ thù giấu mặt vô cùng phức tạp, cực kỳ gay cấn, lâu nay còn bị hoài nghi về hiệu quả thì nay đang nóng hơn lên, trở thành xu thế không thể đảo ngược. Ðấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành xu thế, làm bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong.
Nếu như trước đây, dư luận lo ngại các vụ tham nhũng quyền lực, đặc biệt ngay ở người đứng đầu, trong bộ phận chống tham nhũng rất khó điều tra, kết luận, lại càng khó xử lý thì kết quả vừa qua đã chứng minh công cuộc "đốt lò" là "không có ngoại lệ, không có vùng cấm" dù là bất cứ ai, đương chức hay nghỉ hưu, người đứng đầu địa phương, bộ, ngành, Ủy viên Trung ương hay Ủy viên Bộ Chính trị, người ở thang bậc cao nhất trong hàng ngũ lãnh đạo, nếu thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sai phạm đều bị chế tài của tổ chức hay pháp luật. "Một bộ phận không nhỏ" cán bộ hư hỏng, tham nhũng không còn là khái niệm chung chung, đã được lượng hóa bằng con số và địa chỉ, danh tính cụ thể.
Qua đó cho thấy, bằng cách làm khoa học, bài bản, đúng chức năng, thẩm quyền, đưa ra những kết luận chính xác, thuyết phục, không nể nang, né tránh, quyết không khoan nhượng cho dù đó là cán bộ đã nghỉ hưu hay cán bộ cấp cao, tướng tá đương chức vi phạm.
Tính chất tham nhũng càng tinh vi, mức độ ngày càng phức tạp, phạm vi và giá trị tham nhũng ngày càng lớn. Nhưng kết quả của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Ðảng, nhà nước ta.
Kiên trì, bền bỉ, không "ngừng", không "nghỉ"
Tuy nhiên, phòng chống tham nhũng không thể chủ quan, nóng vội, nể nang, né tránh hay cầm chừng tùy lúc mà phải kiên trì, bền bỉ, không "ngừng", không "nghỉ". Bên cạnh "điểm sáng" vẫn còn những "mảng tối" mà người dân đang đòi hỏi công tác phòng chống tham nhũng được tiếp tục với quyết tâm cao, biện pháp mạnh mẽ, tạo bứt phá để đáp ứng kỳ vọng.
Cần kiên quyết hơn nữa, dứt khoát và dứt khoát hơn nữa xử quan tham, ngăn chặn từ xa các thủ đoạn mới, tinh vi, lợi dụng chính sách để trục lợi, chặt đứt các khâu then chốt trong chuỗi câu kết phạm tội có hệ thống đang chọn các điểm nút là cán bộ có chức, có quyền.
Cần tiếp tục các biện pháp quyết liệt để phát hiện hành vi tham nhũng kịp thời, xử lý triệt để "phần ngọn", nhưng quan trọng hơn vẫn là giải quyết "tận gốc" - nguyên nhân, nguồn gốc của tham nhũng bằng các giải pháp đồng bộ, hoàn thiện bộ máy, cơ chế, chính sách, pháp luật, kiểm soát quyền lực, thực thi công vụ liêm chính. Cần có biện pháp mạnh, hiệu quả để thu hồi triệt để tài sản, tiền bạc tham nhũng. Nếu không, quan tham chấp nhận "hy sinh đời bố củng cố đời con", tìm cách bòn rút tài sản công, "ăn" trên xương máu đồng bào.
Quyết tâm bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực". Cơ chế "4 không": Không thể, không dám, không cần và không muốn tham nhũng phải trở thành các trụ cột của công cuộc phòng chống tham nhũng. "4 không" tham nhũng phải được xây dựng và vận hành vững chắc, là mục tiêu định hướng xuyên suốt, là động lực duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ, nuôi dưỡng niềm tin trong dân chúng, bảo vệ người ngay, việc đúng trong cuộc chiến một mất một còn thời gian tới.
Xứng đáng với niềm tin của nhân dân, hệ thống chính trị với hạt nhân lãnh đạo của Ðảng, quản lý của nhà nước, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và quần chúng nhân dân không chỉ tập trung vào công cuộc "chống" mà phải trên nền tảng vững chắc của "xây". Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đầu tư công, làm rõ khung pháp lý để loại bỏ sự tùy tiện mà các cán bộ hư hỏng có thể trục lợi cá nhân.
Nhìn lại một năm qua, dù còn không ít trăn trở trước thực trạng yếu kém, khó khăn, thách thức nhưng cần khẳng định những thành tựu nổi bật tạo kỳ vọng cho chặng đường đi tới. Nổi lên 3 trụ cột niềm tin, ngoài dấu ấn đậm nét từ công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm là sự phục hồi nhanh chóng và vững chắc sau đại dịch COVID-19; tạo ra các điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội và tạo dựng vị thế mới cho nước ta trong bang giao, tăng cường hợp tác, cạnh tranh trong hội nhập, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
"Mừng Ðảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới" không còn là khẩu hiệu mà đã đi vào đời sống người dân như câu chào nhau, lời chúc đầu năm tốt đẹp nhất mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/tao-dung-long-tin-20230106192231791.htm