Tạo dựng thương hiệu điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn Hà Nội
Thủ đô Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo dựng được thương hiệu điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn Hà Nội.
2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao
Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (Chương trình OCOP), đến nay, cả nước đã có gần 80 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP là hướng đi hiệu quả. Bộ Tiêu chí về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đã có nhiều định hướng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, sau giai đoạn đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tập trung thực hiện đạt tiêu chí xã, huyện nông thôn mới theo chuẩn quy định, Hà Nội sớm ban hành và triển khai Kế hoạch số 73/KH-UBND thực hiện phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần có thêm nhiều xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ năm 2022, TP. Hà Nội có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Đó là Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.
“Hơn một năm qua, các sở, ngành, địa phương đã có các chương trình, hoạt động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”, bà Giang cho hay.
Bên cạnh ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái, đó là: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng, huyện Gia Lâm; điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm, huyện Thường Tín; điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ, huyện Thanh Trì; điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.
Bà Đặng Hương Giang cho biết: “Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa, các làng nghề, nông sản tiêu biểu..., nhiều địa phương đã khai thác để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả. Du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương và môi trường tự nhiên”.
Đánh giá tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn, để trở thành sản phẩm chuyên biệt, đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phượng (Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam) cho rằng, Thủ đô có lợi thế lớn khi du lịch kết hợp với xây dựng nông thôn mới và đã hình thành được nhiều điểm du lịch ở nông thôn như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức); làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp như: Trang trại Dê Trắng, trang trại Đồng Quê Ba Vì (huyện Ba Vì). Ngoài ra, Hà Nội còn có nhiều làng nghề nổi tiếng có sức hút với du khách.
Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Bà Phượng nhìn nhận, nhiều địa phương chưa nhìn thấy tiềm năng từ loại hình du lịch này. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, nhiều điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau.
Trong khi đó, GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển nông thôn cho rằng, nhiều điểm du lịch chưa kết nối được sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chưa thỏa đáng.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn được xem là môt trong những sản phẩm du lịch có thể trở thành mũi nhọn, tạo được sản phẩm chuyên biệt cho Thủ đô để thu hút du khách lưu trú lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Từ việc nhận diện tiềm năng cũng như những khó khăn, vướng mắc, các chuyên gia cùng “hiến kế” nhiều giải pháp để có thể phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Đại diện cho địa phương được định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho rằng, cần rà soát các hộ, cơ sở có diện tích chuyên canh lớn, sản phẩm đã công nhận OCOP hoặc nhãn hiệu tập thể để khuyến khích đáp ứng các tiêu chí công nhận sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Với vai trò sáng lập và quản lý Trang trại Đồng Quê (Ba Vì), một trong những mô hình điểm thành công trong việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội, TS. Ngô Kiều Oanh đánh giá, điều quan trọng là cần phát triển du lịch gắn kết với điều kiện thiên nhiên và làng nghề của các địa phương để thu hút được sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, huyện Thường Tín Nguyễn Văn Phượng, cần có chính sách nguồn nhân lực nông thôn, tập trung định hướng chuyển đổi nghề cho thế hệ trẻ tại các địa phương cùng tham gia làm kinh tế; bảo đảm công tác an ninh, an toàn cho du khách.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc Công ty Du lịch Sunvina Tạ Hữu Chiến đề xuất, cần có sự kết nối giữa ngành du lịch và giáo dục để đẩy mạnh du lịch học đường trải nghiệm tại các vùng nông thôn, tạo nguồn khách ổn định cho các điểm du lịch nông nghiệp.
Xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội, bà Đặng Hương Giang thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Thủ đô như: Việc phát huy lợi thế tài nguyên du lịch ở nông thôn để phát triển các sản phẩm chủ lực góp phần tạo ra các giá trị gia tăng từ hoạt động du lịch nông thôn còn hạn chế, sức cạnh tranh chưa cao, chưa phát huy tốt lợi thế để phục vụ phát triển du lịch nông thôn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ khách đến các làng nghề so với khách du lịch của cả thành phố nhỏ; doanh thu chủ yếu vẫn là từ việc bán các sản phẩm thủ công, chi tiêu của khách du lịch rất thấp cho các dịch vụ du lịch; chưa tạo dựng được thương hiệu điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn Hà Nội thực sự cạnh tranh…
Để khắc phục những hạn chế, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục chủ trì tham mưu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: triển khai, thực hiện có hiệu quả, chất lượng các nhiệm vụ giải pháp Chương trình, Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Trung ương và TP. Rà soát và bổ sung nội dung về phát triển du lịch nông thôn vào các quy hoạch đã có như: phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia...
Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn TP; Nghiên cứu xây dựng phần mềm công nghệ thông tin để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội phục vụ công tác quy hoạch, quản lý mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với nông thôn mới.
Nghiên cứu, xây dựng khung hướng dẫn chung phục vụ cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở chỉ đạo thực hiện, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện các kế hoạch hành động.
Đồng thời, tổ chức lựa chọn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.
Xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể Nông dân - Hợp tác xã - Hộ kinh doanh - Doanh nghiệp. Quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.
Đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới… để tạo dựng được thương hiệu điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn Hà Nội.