Tạo đường băng cho kinh tế 'cất cánh' English Edition
Những năm qua, tỉnh Long An tập trung các nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là 14 công trình giao thông thuộc Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm,1 trong 2 chương trình đột phá theo nghị quyết Ðại hội X Ðảng bộ tỉnh. Đến nay, chương trình đạt nhiều kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Tạo thế liên hoàn, thuận lợi cho phát triển kinh tế
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng, nhiều nhà đầu tư đều có chung nhận định, Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ TP.HCM và miền Đông Nam bộ đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và ngược lại nên có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Từ những tiềm năng và lợi thế đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm là 1 trong 2 chương trình đột phá mang ý nghĩa chiến lược, trọng điểm về phát triển kinh tế.
Chương trình với danh mục gồm 14 tuyến giao thông huyết mạch nằm trên địa bàn các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, được quy hoạch kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp (K,CCN), đặc biệt là kết nối đến Cảng Long An với các tuyến giao thông của TP.HCM. Khi các tuyến giao thông này hoàn chỉnh sẽ như một đường băng, tạo đà cho kinh tế của tỉnh cất cánh. Theo đó, nguồn lực đầu tư các công trình chủ yếu từ ngân sách tỉnh. Đến nay, có 8 công trình hoàn thành, 4 công trình đang triển khai thi công và 2 công trình đang làm thủ tục để triển khai thi công.
Trong 8 công trình hoàn thành, có 6 công trình trên địa bàn huyện Đức Hòa, 2 công trình thuộc địa bàn huyện Cần Đước; các công trình còn lại thuộc địa bàn huyện Bến Lức, Cần Giuộc. Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Văn Lành phấn khởi: “Những năm trước đây, mỗi lần đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp, những bất cập về hạ tầng giao thông luôn được đặt ra. Qua đó, nhà đầu tư mong muốn tỉnh sớm phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông để kết nối liên hoàn giữa TP.HCM, các K,CCN trong huyện với tỉnh, từ đó di chuyển, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Đến nay, nhiều công trình nằm trong Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm hoàn thành, đưa vào sử dụng, bước đầu phát huy hiệu quả như Đường tỉnh (ĐT) 830 đến Quốc lộ N2, ĐT825, ĐT823, ĐT824.
Ngoài các công trình do tỉnh đầu tư, huyện còn thực hiện nhiều tuyến đường kết nối, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông nông thôn huyện để tạo thế “liên hoàn”, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”.
Toàn huyện Đức Hòa có 10 KCN, trong đó có 6 KCN đi vào hoạt động với diện tích 2.156ha, thu hút trên 800 dự án (trong đó có khoảng 500 dự án trong nước với số vốn 32.735 tỉ đồng, còn lại là dự án có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn 1.307 triệu USD), lấp đầy các KCN trên 73%. Ngoài ra, huyện được phê duyệt quy hoạch 20 CCN với tổng diện tích trên 994ha. Đến nay, có 15 CCN có chủ đầu tư, trong đó có 10 CCN đi vào hoạt động với diện tích 499ha, lấp đầy đạt 92%; 5 CCN vừa có chủ trương đầu tư với diện tích 289ha, 5 CCN đang thực hiện thủ tục thành lập. Theo nhận định của Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Văn Lành, khi các tuyến giao thông trên địa bàn hoàn thiện sẽ tạo cơ hội lớn cho địa phương trong thu hút đầu tư vào các K,CCN ở diện tích chưa lấp đầy cũng như các dự án đang có chủ trương đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế công nghiệp trên địa bàn huyện.
Vững tin ở mùa xuân mới
Xuân về cũng là thời điểm tuyến ĐT833B, đoạn từ Quốc lộ 1 đến sông Vàm Cỏ Đông vừa hoàn thành 100% khối lượng công trình. Tuyến đường bắt đầu từ Quốc lộ 1, thuộc địa bàn xã Long Hiệp, huyện Bến Lức nối dài đến bến phà Long Cang thuộc địa bàn huyện Cần Đước với chiều dài trên 5,6km. Tổng kinh phí thực hiện tuyến đường, trong đó có cầu Ông Tổng là trên 190 tỉ đồng. Bí thư Đảng ủy xã Long Hiệp - Trương Ngọc Hiển phấn khởi: “Tuyến ĐT833B kết nối từ Long Hiệp đi Phước Vân, Long Cang - Cần Đước hoàn thành không chỉ chính quyền địa phương phấn khởi mà người dân cũng “nức lòng”. Bởi, tuyến đường này hàng ngày có hàng ngàn lượt người lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản”.
Kết nối với ĐT833B, huyện Cần Đước đầu tư thêm tuyến Phước Vân - Long Định. Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng chia sẻ, đây là một trong những tuyến huyết mạch của địa phương để kết nối 3 xã vùng thượng: Long Cang, Long Định, Phước Vân nhằm phục vụ phát triển giao thông khu vực vùng trồng rau ứng dụng công nghệ cao của huyện. Đặc biệt, tuyến đường này còn mang tính kết nối, phát triển nhiều khu dân cư, nhất là K,CCN đã và đang hình thành trên địa bàn huyện.
Nhiều doanh nghiệp nhận xét, Cần Đước là người bạn “láng giềng” với TP.HCM, khi được “hưởng lợi” từ các công trình giao thông của tỉnh đang đầu tư cùng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thuận lợi của lãnh đạo tỉnh, huyện sẽ là điểm đến để nhà đầu tư thuộc nhiều ngành nghề quan tâm và “dồn” nguồn vốn.
Hiện nay, huyện Cần Đước có 4 KCN: Cầu Tràm, Thuận Đạo - Bến Lức mở rộng, KCN và Cầu cảng Phước Đông, Phúc Long, trong đó KCN Cầu Tràm, Thuận Đạo - Bến Lức có tỷ lệ lấp đầy rất cao. Còn KCN và Cầu cảng Phước Đông đang dần hoàn chỉnh hạ tầng để thu hút đầu tư trong năm 2020, KCN Phúc Long tại xã Long Định - Phước Vân đang thực hiện các thủ tục cần thiết để triển khai dự án. Ngoài ra, huyện còn có 17 CCN, trong đó có 7 CCN hoàn thành giải phóng mặt bằng, hạ tầng và tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động, 2 CCN đang thực hiện giải phóng mặt bằng và 8 CCN đang thực hiện các thủ tục đầu tư.
Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng chia sẻ thêm, trong 14 công trình giao thông thuộc Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm, Cần Đước sở hữu 2 công trình, đến nay đều hoàn thành. Bên cạnh đó, Cần Đước còn được tập trung nhiều tuyến đường nằm trong “cung đường” ĐT830 đang dần hoàn thiện, trong tương lai gần, địa phương sẽ có “lực hút” lớn với nhà đầu tư, điểm đến là các K,CCN. Năm 2019, hoạt động giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện có mức tăng trưởng 21% so với năm 2018, đạt giá trị trên 24.500 tỉ đồng. Tin rằng, trong năm mới 2020 và những năm tiếp theo, khi K,CCN mới đi vào hoạt động, Cần Đước sẽ phát triển công nghiệp vượt bậc, xứng tầm là một trong những huyện kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Chương trình đột phá về giao thông gắn với các công trình trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi, sự thông thoáng trong giao thương, góp phần quan trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm của Long An, từ đó, thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển nhanh, mạnh hơn trong những mùa xuân tới./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/tao-duong-bang-cho-kinh-te-cat-canh-a88783.html